Đang chờ chấp hành án lại gây án xử lý thế nào?

Thứ tư, 01/12/2021 10:50
(ĐCSVN) - Theo công an địa phương, Nhân từng đi tù vì tội Trộm cắp tài sản của người nước ngoài năm 2015. Người này mới bị tòa tuyên phạt 6 tháng tù ngày 26/3 vừa qua cũng về tội danh trên, đang chờ chấp hành án thì tiếp tục gây án.

Ngày 29/11, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an thành phố Đà Nẵng) cho biết đang tạm giữ hình sự Võ Thành Bảo Nhân (24 tuổi, ngụ quận Sơn Trà) để điều tra về hành vi “trộm cắp tài sản”.

Theo điều tra ban đầu, rạng sáng 26/11, Nhân đi xe máy qua nhiều tuyến đường tìm chủ nhà sơ hở trộm tài sản. Khi phát hiện căn nhà của cô gái 29 tuổi, quốc tịch Trung Quốc ở phường Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) không đóng cửa nhà vệ sinh nên đối tượng quyết định đột nhập qua lối này, lên tầng hai rồi vào phòng ngủ lấy một điện thoại, hai tờ tiền Hong Kong, 100 USD và 6 triệu đồng, sau đó đem bán điện thoại được 10 triệu đồng, đổi 2 tờ tiền Hong Kong được 600.000 đồng. Nhân đem hết số tiền VNĐ đổi thành tiền USD về đưa cho người thân.

Nhân thừa nhận đã thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản (Ảnh: Nguyên Vũ)

Ngoài ra, Nhân còn khai nhận, đầu tháng 11/2021 đến khi bị bắt, đã thực hiện trót lọt 4 vụ trộm khác ở phường Mỹ An và Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) với tổng tài sản trị giá khoảng 60 triệu đồng.

Cơ quan điều tra cho biết buổi sáng anh ta ngủ tại xưởng làm việc, chiều và tối đi nghiên cứu theo dõi, xác định mục tiêu đột nhập, né các phương tiện ghi âm ghi hình tại các ngôi nhà. Đặc biệt, Nhân chỉ đột nhập vào biệt thự vì có nhiều tài sản giá trị.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Nguyễn Thế Hiển, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) nêu quan điểm, các tội xâm phạm quan hệ sở hữu đã gây ra những thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khoẻ của công dân, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động chung của xã hội.

Xuất phát từ tầm quan trọng của việc bảo vệ các quan hệ sở hữu, Bộ luật Hình sự đã có quy định một chương riêng biệt về các tội xâm phạm sở hữu, trong đó bao gồm tội trộm cắp tài sản. Trộm cắp tài sản có thể hiểu là hành vi lén lút lấy tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản.

Ở vụ việc nêu trên, Luật gia Hiển phân tích, vì không phải thực hiện hành vi trộm cắp tài sản lần đầu nên đối tượng Nhân không thuộc diện xử phạt hành chính theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP mà phải xem xét xử lý hình sự.

Căn cứ vào điều tra, xác minh của cơ quan điều tra cho thấy tính chất chuyên nghiệp, tinh vi khi thực hiện hành vi phạm tội, số tiền chiếm đoạt từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, đối tượng Nhân có thể bị phạt tù từ 02 đến 07 năm được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng.

Công an thành phố Đà Nẵng thực hiện tạm giữ hình sự Nhân là phù hợp vì đây là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

“Đáng chú ý, đối tượng Nhân còn phải hoàn thành đủ, đúng bản án 6 tháng tù trước đó chưa được chấp hành”, Luật gia Hiển nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực