Pháp luật cho phép người dân được lập di chúc trong trường hợp đất đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia pháp lý, câu hỏi của vợ chồng ông Phạm Xuân Thành và bà Nguyễn Thị Lê là vấn đề mà khá nhiều người đang gặp phải. Cụ thể, Luật sư Đỗ Trọng Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Điều 609 Bộ luật Dân sự quy định về quyền thừa kế của cá nhân thì: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luât.”.
Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
"Như vậy, căn cứ theo quy định này thì diện tích đất của vợ chồng ông Phạm Xuân Thành và bà Nguyễn Thị Lê chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đó chưa đủ điều kiện để ông bà lập được di chúc có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm này. Tuy nhiên ông bà có thể lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng hoặc di chúc bằng văn bản có người làm chứng theo quy định tại Điều 633 và 634 Bộ luật dân sự 2015", Luật sư Đỗ Trọng Đức nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Luật sư Bùi Đình Quang, Đoàn Luật sư tỉnh Hòa Bình cho biết, đối với việc lập di chúc, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân người để lại tài sản cho người khác trước khi chết. Do đó, vợ chồng ông Phạm Xuân Thành và bà Nguyễn Thị Lê có thể chỉ định người thừa kế, phân định tài sản của mình theo ý chí, nguyện vọng của mình.
Cũng theo Luật sư Quang, về hình thức của di chúc thì di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Do đó, vợ chồng ông Phạm Xuân Thành và bà Nguyễn Thị Lê có thể lựa chọn một trong các cách lập di chúc sau: Mang theo giấy tờ nhân thân, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, sở hữu tài sản của người lập di chúc đến UBND xã/phường, Văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng để làm văn bản lập di chúc; Lập di chúc bằng văn bản (viết tay hoặc đánh máy) nhưng phải có ít nhất 2 người làm chứng. Người lập di chúc phải ký tên hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc; Tự viết di chúc bằng tay và ký vào bản di chúc (không cần người làm chứng)./.