Đầu thú có được giảm trách nhiệm hình sự?

Thứ hai, 24/10/2022 16:26
(ĐCSVN) - Theo luật sư, cùng là hành vi khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của một người, tuy nhiên, cần phân biệt rõ tự thú là khi hành vi chưa được phát hiện, còn đầu thú là hành vi đã bị phát hiện.

Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Vi Đức Ninh (47 tuổi, nguyên Viện trưởng Viện KSND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) để làm rõ hành vi nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, ông này đã tới cơ quan công an khai nhận hành vi nhận hối lộ 1 tỷ đồng để “nâng đỡ” cho các đối tượng liên quan trong vụ án sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn mà Viện KSND huyện Lục Ngạn được giao tiếp nhận, thụ lý kiểm sát, điều tra. 

Câu hỏi đặt ra là nếu có đủ bằng chứng chứng minh hành vi phạm tội, việc ông này khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi của mình có được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, từ trước đến nay, việc người phạm tội chủ động, thành khẩn khai báo với cơ quan chức năng về hành vi của mình trước khi bị phát hiện là chuyện hiếm.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, khi cán bộ lãnh đạo Viện KSND cấp huyện trong một thời điểm đã không giữ được bản lĩnh, bị đồng tiền chi phối và có hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, việc cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang chuyển thẩm quyền điều tra cho cơ quan điều tra Viện KSND tối cao là có căn cứ, đúng trình tự, thủ tục tố tụng.

Quy định của pháp luật nêu rõ, tự thú và đầu thú đều là những hành vi có thể xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự nhưng tính chất khác nhau và mức độ được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng khác nhau.

Ví dụ, một đối tượng sau khi thực hiện hành vi giết người, trở về nhà và được người thân động viên đã tới cơ quan công an địa phương tự thú, khai nhận toàn bộ sự việc. Thời điểm này, hành vi phạm tội kia chưa bị phát hiện.

“Theo hồ sơ cáo buộc, sau khi một bị can khác trong vụ án nói trên bị bắt khẩn cấp để điều tra nghi vấn môi giới hối lộ thì ông Ninh mới khai nhận hành vi phạm tội của mình. Do đó, hành vi của ông Ninh chỉ có thể được xem xét là đầu thú chứ không phải là tự thú”, luật sư Tuấn phân tích.

Cụ thể, theo Điểm r Khoản 1 Điều 51 Mục 1 Chương VIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015) nêu rõ người phạm tội tự thú là một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án. Còn đầu thú có thể được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

Nếu các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt. Như vậy, tình tiết giảm nhẹ chỉ có giá trị sau khi đã xác định người phạm tội phạm tội nào và khung hình phạt là bao nhiêu để tuyên mức phạt dưới mức trung bình của khung.

Với hành vi nhận hối lộ số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên, theo quy định tại Khoản 4 Điều 354 Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015, nguyên Viện trưởng VKSND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có thể đối mặt với khung hình phạt là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Có nhiều yếu tố quyết định hình phạt đối với người phạm tội như khung, điều khoản áp dụng, tính chất, hậu quả của hành vi phạm tội.

Thực tế cho thấy, trong không ít vụ việc, dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả..., nhưng tính chất của vụ án đặc biệt nghiêm trọng, tài sản chiếm đoạt, hưởng lợi đặc biệt lớn, khi lượng hình tòa vẫn áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội và tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.

Có thể nói, sự phát triển đa dạng của các mối quan hệ trong xã hội ngày nay đòi hỏi mỗi cán bộ ngành kiểm sát nói riêng, cán bộ lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp nói chung không chỉ vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm mà còn phải thực sự trong sạch, trung thành với Đảng, tận tụy với công vụ, có đức tính “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, có năng lực đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

“Vụ án này thể hiện sự quyết liệt, khẩn trương, không khoan nhượng, không có vùng cấm, không ngoại lệ đối với bất cứ đối tượng nào, theo tinh thần bình đẳng và thượng tôn pháp luật. Mọi sai phạm phải được phơi bày ra ánh sáng nhằm lấy lại niềm tin trong Nhân dân", luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực