Thi thể nạn nhân cùng chiếc xe máy bị biến dạng được đưa ra khỏi hiện trường vào tối cùng ngày.
Theo chỉ huy Công an huyện Việt Yên, tài xế ôtô đầu kéo Phạm Quang H. (24 tuổi, trú tại xã Hào Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) sau đó đã ra trình diện cơ quan chức năng.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Nguyễn Thế Bách (Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm, trong trường hợp này, cơ quan chức năng cần điều tra, xác định rõ yếu tố lỗi của những người liên quan. Đây là yếu tố quyết định, xác định trách nhiệm của tài xế Phạm Quang H.
Nếu tài xế xe đầu kéo vi phạm các quy định về an toàn giao thông như thiếu quan sát; không đảm bảo tốc độ trên đoạn đường; xử lý chủ quan, cẩu thả khi phát hiện người đi đường hay chằng giữ thiếu cẩn thận các khối bê tông... gây hậu quả chết người, tài xế này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Người phạm tội sẽ bị phạt tiền 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1 - 5 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
|
Hiện trường vụ tai nạn. (Ảnh: Nguyên Cương) |
Trường hợp được xác định không vi phạm các quy tắc giao thông đường bộ, không có lỗi dẫn tới việc phải đánh lái, phanh gấp gây trượt, khiến các khối bê tông rơi xuống đường mà lỗi thuộc về phía người đi bộ thì tài xế xe đầu kéo sẽ không bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật gia Nguyễn Thế Bách phân tích, trường hợp không bị xử lý hình sự, lái xe này vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tính mạng do việc vận hành nguồn nguy hiểm cao độ là phương tiện giao thông gây ra.
Cụ thể, Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ nguồn nguy hiểm cao độ gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới; hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc trong trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết.
Điều 171 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền lợi hợp pháp của mình hoặc người khác mà không còn cách nào khác là phải có một hành động gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
Trường hợp này, có thể thấy thiệt hại do hành vi đánh lái của Phạm Quang H. là thiệt hại về người, không nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn, nên không thể coi đây là tình thế cấp thiết. Do đó, lái xe này sẽ chỉ được miễn trách nhiệm dân sự nếu lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại, tức trong trường hợp người này xuất hiện đột ngột, lao thẳng vào đầu xe khiến người điều khiển xe đầu kéo không thể xử lý khác để tránh thiệt hại.
Luật gia Nguyễn Thế Bách cũng nhấn mạnh tới việc cần thiết tiếp tục truyền thông giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định trong khi tham gia giao đường đường bộ của người dân, đồng thời cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cũng cần thường xuyên tuần tra, kiểm soát, giám sát chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn của hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, để “An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người, mọi nhà”./.