Đe dọa an toàn đường sắt có bị xử lý hình sự?

Thứ tư, 22/02/2023 21:57
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo luật gia, đường sắt là đường ưu tiên. Do vậy, bất kể vị trí nào, dù có gác chắn hay không thì người và phương tiện tham gia giao thông bắt buộc phải dừng lại khi có tín hiệu tàu chạy qua, người đe dọa an toàn giao thông đường sắt có thể bị xử lý hình sự.

Trước đó, khoảng 20h00 ngày 19/2, chị Đặng Thị Nguyệt và chị Võ Thị Thùy Trinh (cùng trú quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) đang làm nhiệm vụ đóng gác chắn an toàn để tàu chạy (gác chắn Xuân Hà, lý trình Km789+524 đoạn giao nhau với đường Hà Huy Tập, quận Thanh Khê) thì có 3 người đàn ông (không rõ lai lịch) chạy xe máy đến yêu cầu mở gác chắn tuy nhiên hai chị không đồng ý vì lý do an toàn.

“Vì tàu gần tới nên chị Trinh không thể mở gác chắn cho nhóm người này qua. Đứng bên này đường tàu tôi thấy nhóm thanh niên lao vào hành hung chị Trinh. Sau khi tàu qua, chị Trinh mở gác chắn thì những người này không đi mà tiếp tục lao vào đánh chị ấy. Tôi chạy sang can thì cũng bị đánh. Lúc này chồng tôi là Nguyễn Văn Chuẩn vào can ngăn cũng bị nhóm thanh niên đấm đá túi bụi”, chị Nguyệt kể.

Sau khi bị đánh, chị Nguyệt cùng chồng và chị Trinh đã tới cơ sở y tế để kiểm tra thương tích, theo dõi sức khỏe. Hiện sức khỏe 3 người đã tạm ổn, tuy nhiên vẫn chưa hết hoảng sợ do lần đầu tiên gặp tình huống thế này.

Ngay khi tiếp nhận thông tin, công an phường Chính Gián (quận Thanh Khê) đã triệu tập nhóm người hành hung lên làm việc. Một trong ba người là Dương Quang Tuấn (39 tuổi, trú quận Thanh Khê) thừa nhận hành vi tấn công chị Nguyệt và chị Trinh và người can ngăn.

 Hình ảnh nhóm côn đồ hành hung nhân viên gác chắn được người dân ghi lại (Ảnh: Hoàng Vũ/baophapluat.vn)

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Lê Huy Vinh, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho biết phía sau những chuyến tàu thông suốt, an toàn là sự đóng góp không nhỏ của nhân viên gác chắn với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn cho người dân cũng như phương tiện đường sắt qua đường ngang. Dù làm ở vị trí nào, tất cả họ đều hướng về mục tiêu chung là sự an toàn của mỗi chuyến tàu.

Nghề gác chắn đường ngang đối diện với nhiều nguy hiểm và gian khổ, đồng hồ sinh học thay đổi liên tục, lúc phải làm ngày lúc phải làm đêm. Điều đáng nói là nhân viên gác chắn tuân thủ nghiêm các quy định an toàn lại có thể bị người tham gia giao thông chửi bới thậm tệ, đánh, thậm chí vướng vào vòng lao lý do gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Theo Điều 16 Mục 1 Chương II Thông tư 33/2018/TT-BGTVT (Số: 33/2018/TT-BGTT ngày 15 tháng 5 năm 2018) của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt, thì tiêu chuẩn của nhân viên gác đường ngang, gác cầu chung gồm: Có bằng, chứng chỉ chuyên môn về đường sắt, cầu đường sắt, gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt; Có đủ điều kiện sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; Có thời gian thử việc theo quy định của pháp luật về lao động với các chức danh gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt và đạt yêu cầu sát hạch về nghiệp vụ gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt do doanh nghiệp sử dụng các chức danh gác đường ngang, gác cầu chung, gác hầm đường sắt tổ chức.

Nhân viên gác đường ngang, gác cầu chung có nhiệm vụ: Đóng, mở kịp thời chắn đường ngang, chắn đường bộ tại khu vực cầu chung đường sắt, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi phương tiện giao thông đường sắt chạy qua; Kiểm tra, bảo quản trang thiết bị chắn đường ngang, cầu chung phù hợp với các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt; Khi phát hiện hành vi, sự cố có khả năng gây cản trở, gây mất an toàn giao thông đường sắt có trách nhiệm kịp thời báo cho ga gần nhất, lãnh đạo cấp trên trực tiếp để có biện pháp xử lý; Ghi chép đầy đủ nhật ký đường ngang, cầu chung; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về đường ngang, cầu chung.

Trong khi đó, theo Khoản 4 Điều 23 Mục 2 Chương II Thông tư 25/2018/TT-BGTVT (Số: 25/2018/TT-BGTVT ngày 14 tháng 5 năm 2018) quy định về thời gian đóng chắn đối với chắn đường ngang có người gác như sau:

a) Hai phía đường bộ đi vào đường ngang phải được đóng chắn hoàn toàn trước khi tàu đến đường ngang ít nhất: 60 giây đối với chắn điện và tời; 90 giây đối với chắn thủ công;

b) Không đóng chắn trước quá 3 phút đối với đường ngang cấp I, cấp II và quá 5 phút đối với đường ngang cấp III trước khi tàu đến đường ngang; trừ đường ngang có quy định riêng của Bộ Giao thông Vận tải.

Với nhóm đối tượng đã thực hiện hành vi hành hung nhân viên gác chắn, sau khi củng cố hồ sơ, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xem xét xử lý theo Khoản 3 Điều 49 Mục 1 Chương III Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Số: 100/2019/NĐ-CP, ngày 30 tháng 12 năm 2019) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với mức phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Ngăn cản việc chạy tàu, tùy tiện báo hiệu hoặc sử dụng các thiết bị để dừng tàu, trừ trường hợp phát hiện có sự cố gây mất an toàn giao thông đường sắt; Để vật chướng ngại lên đường sắt làm cản trở giao thông đường sắt; Tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng.

Theo luật gia Vinh, thậm chí có thể xử lý hình sự theo quy định tại Điều 318 Mục 4 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội gây rối trật tự công cộng.

Cụ thể, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.

Có thể nói, bất kể thời tiết nắng mưa, ngày lễ, công nhân gác chắn đường tàu vẫn miệt mài làm việc. Nhiều người cho rằng đây là công việc an nhàn nhưng thực tế với người trong cuộc lại có không ít vất vả, phải đánh đổi nhiều thứ, thậm chí là sự an toàn của chính bản thân.

Họ luôn phải tuân thủ những nguyên tắc bất di bất dịch bởi đôi khi chỉ một vài sơ suất rất nhỏ có thể gây ra hậu họa khôn lường. Trạm gác cần đảm bảo đủ số người, nếu nhân viên vắng thiếu thì phải có biện pháp bổ sung ngay, mỗi nhân viên phải làm xuyên ca liên tục 12 giờ (từ 06h00 - 18h00 hoặc từ 18h00 - 06h00 hôm sau). Đặc biệt, tất cả đều tuyệt đối không được sử dụng chất có cồn trước và trong ca làm.

Thu nhập thấp, lạm phát cao, đồng lương không đủ chi trả cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống nhưng anh chị em nhân viên gác chắn vẫn luôn tự động viên nhau yêu nghề thì phải gắn bó với nghề.

“Do đó, ngoài những biện pháp của ngành đường sắt, người tham gia giao thông cần nghiêm túc chấp hành quy định khi đi qua đường ngang, cũng để đảm bảo an toàn cho chính bản thân. Tới đây, ngành đường sắt cần tiếp tục khảo sát, đánh giá, nghiên cứu đầu tư đầy đủ, đồng bộ hệ thống camera bên trong gác chắn, phía ngoài nhà gác chắn để đảm bảo an toàn chạy tàu”, luật gia Vinh nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực