Điều khiển phương tiện không đủ điều kiện về độ tuổi có vi phạm pháp luật?

Thứ ba, 12/03/2024 09:38
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Thời gian qua, trên cả nước xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây chết người, liên quan đến việc người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe... Về vấn đề này, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được nhiều câu hỏi từ bạn đọc về quy định độ tuổi để được cấp giấy phép lái xe phù hợp với các loại xe; các hình thức xử phạt đối với các trường hợp vi phạm trên.
Tình trạng học sinh cấp 2, cấp 3 điều khiển các loại xe máy phân khối lớn vẫn xảy ra tại nhiều địa phương. (Ảnh minh họa: Cổng TTĐT Chính phủ)

* Bạn đọc Nguyễn Quang Hà (Hà Nội): Hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh các bạn học sinh cấp 2, cấp 3 điều khiển các loại xe máy, trong đó không hiếm các loại xe máy phân khối lớn. Vậy tôi xin hỏi, ở độ tuổi nào được phép điều khiển xe mô tô và nếu chưa đủ tuổi mà điều khiển xe mô tô sẽ bị xử phạt như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này,  Luật sư Trần Thị Thanh Huyền, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội  cho biết: Quy định tại Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008 như sau:

Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

- Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

+ Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3;

+ Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

Như vậy, đối với người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên.

- Về mặt sức khỏe: Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư liên tịch quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe.

Theo đó, để một cá nhân muốn tham gia điều khiển xe máy cần phải đáp ứng 2 điều kiện sau:

- Độ tuổi và sức khỏe.

- Có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Đối với những học sinh chưa đủ độ tuổi quy định tại Điều 60 Luật giao thông đường bộ năm 2008 mà điều khiển các loại xe mô tô, xe gắn máy như phân tích ở trên thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

- Căn cứ Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì phạt cảnh cáo với học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện;

Điểm a Khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP có quy định:

Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới, cụ thể:

Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;

Như vậy, đối với học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính nhẹ nhất là cảnh cáo. Từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, có thể bị phạt tiền lên đến 600.000 đồng với hành vi này.

Đối với người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên.

* Cũng liên quan đến nội dung trên, bạn đọc Nguyễn Minh Thu (Tuyên Quang) hỏi: Theo quy định, người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên. Tuy nhiên, rất nhiều cháu chưa đủ tuổi 18 đã được bố mẹ mua cho xe mô tô phân khối lớn và trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Vậy trong các trường hợp trên, các phụ huynh giao xe cho con sẽ bị phạt và xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?

Luật sư Trần Thị Thanh Huyền cho biết:  Theo quy định tại Khoản 5, Điều 30 và Điểm h, Khoản 8, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Đối với ô tô thì phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Theo quy định tại Điều 264 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, cha, mẹ mà giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển, gây thiệt hại cho người khác: làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, gây thiệt hại về tài sản… thì có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến cao nhất 7 năm tù.

Ngoài ra, việc cha, mẹ tự nguyện hoặc bỏ mặc con chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, ô tô để tham gia giao thông rồi gây hậu quả nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm theo luật hình sự. Thực tế, bố mẹ có thể sử dụng biện pháp khác để ngăn cấm, không cho con chưa đủ điều kiện sử dụng xe máy, ô tô để tham gia giao thông như khóa xe lại, cất chìa khóa…

* Ngoài hai câu hỏi trên, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc với nội dung, bao nhiêu tuổi không được cấp bằng lái xe ô tô?

 Luật sư Trần Thị Thanh Huyền, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Về nội dung này, Luật sư Trần Thị Thanh Huyền cho biết, theo quy định của Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về độ tuổi của người lái xe như sau:

Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2); Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ôtô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC); Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi, lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD); Tuổi tối đa của người lái xe ôtô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

Ngoài ra, người thí sinh cần đáp ứng điều kiện về sức khỏe. Theo đó, người điều khiển xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe điều khiển và công dụng của xe.

Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe sẽ được Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đưa ra. Ngoài ra, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe cũng được các cơ quan chức năng quy định.

Ngoài ra, Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định cụ thể về điều kiện đối với người học lái xe như sau: Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.

Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định; đối với người học để nâng hạng giấy phép lái xe, có thể học trước nhưng chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.

Người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau: Hạng B1 số tự động lên B1: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên; Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên; Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng; các hạng D, E lên FC: thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên; Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.

Người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.

Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định thời hạn của giấy phép lái xe là: Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.

Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp. Thời hạn của giấy phép lái xe được ghi trên giấy phép lái xe. (được bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT)./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực