Về vấn đề này, qua trao đổi, Luật sư Lê Xuân Thảo, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có những phân tích, giải đáp:
|
Để tránh những phát sinh, vướng mắc trong thực hiện, tổ chức, cá nhân
cần tìm hiều kỹ thông tin liên quan đến giao dịch dân sự. (Ảnh: ND) .
|
Giao dịch dân sự là giao dịch rất phổ biến và diễn ra hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta hiện nay. Chính vì vậy mà Bộ luật Dân sự 2015 đã có cả một Chương VIII để quy định cụ thể về vấn đề này. Trong đó, chúng ta cần tập trung hiểu rõ một số nội dung liên quan đến vấn đề này như giao dịch dân sự là gì; điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực cũng như giao dịch dân sự được thể hiện thông qua những hình thức nào?
Theo quy định tại Điều 116, Chương VIII, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, 24 tháng 11 năm 2015, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Trong khi đó, điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được nêu tại Điều 117, Chương VIII, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, cụ thể như sau:
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Cũng theo Luật sư Lê Xuân Thảo, Điều 119 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 quy định về Hình thức giao dịch dân sự:
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
“Như vậy, cùng với việc cần tìm hiểu kỹ về khái niệm giao dịch dân sự, điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực, thì cá nhân, tổ chức cần lưu ý đến nội dung đối với hình thức giao dịch dân sự. Hhình thức giao dịch dân sự có 3 hình thức: bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, tương ứng với đó là những quy định đi kèm"- Luật sư Lê Xuân Thảo phân tích thêm./.