Điều kiện kinh doanh xe bán hàng lưu động?

Thứ sáu, 05/05/2023 16:03
(ĐCSVN) - Bạn đọc Nguyễn Viết Định, sống tại quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng, hỏi: Xe ô tô tải có được hoán cải thành xe bán hàng lưu động (food truck) kinh doanh cà phê, trà sữa và các đồ ăn vặt không? Điều kiện để kinh doanh xe bán hàng lưu động?

Theo ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc hoán cải thùng xe bán hàng lưu động tức là thay đổi một phần hoặc toàn bộ các thông số, kết cấu cũng như đặc tính kỹ thuật của xe tải. Các bước hoán cải xe tải cần tuân thủ quy định sau: Cải tạo xe cơ giới và xe cơ giới, sau khi cải tạo, phải phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Quy định về việc hoán cải, cải tạo xe cơ giới cần phải tuân theo quy định của Thông tư 85/2014/TT-BGTVT, chi tiết như sau:

Không cải tạo, thay đổi mục đích sử dụng (công dụng) đối với xe cơ giới đã có thời gian sử dụng trên 15 năm, kể từ năm sản xuất của xe cơ giới đến thời điểm thẩm định thiết kế;

Không cải tạo xe cơ giới chuyên dùng nhập khẩu thành xe cơ giới loại khác trong thời gian 05 năm, xe đông lạnh nhập khẩu thành xe loại khác trong thời gian 03 năm, kể từ ngày được cấp biển số đăng ký lần đầu;

 Một chiếc xe tải bán hàng lưu động tại thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: hyundainguyengiaphat.com)

Không cải tạo thùng xe của xe tải nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp mới, chưa qua sử dụng trong thời gian 06 tháng, kể từ ngày kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường lần đầu đến khi thẩm định thiết kế (trừ trường hợp cải tạo thành xe tập lái, sát hạch; cải tạo lắp đặt thêm mui phủ của xe tải thùng hở);

Xe tải chỉ có thể làm thủ tục hoán cải sau 6 tháng kể từ ngày đăng ký ra biển đầu tiên.

Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc Sở Giao thông Vận tải các địa phương đều có quyền thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo xe.

Căn cứ Điều 5 Chương II Thông tư 85/2014/ TT-BGTVT quy định hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo bao gồm: Thuyết minh thiết kế kỹ thuật xe cơ giới (bản chính) theo quy định tại mục A của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; Bản vẽ kỹ thuật (bản chính) theo quy định tại mục B của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 7 Chương II Thông tư 85/2014/TT-BGTVT (Số: 85/2014/TT-BGTVT, ngày 31 tháng 12 năm 2014) quy định thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo như sau:

Hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc Sở Giao thông Vận tải (sau đây gọi chung là cơ quan thẩm định thiết kế) thẩm định theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này, nếu đạt yêu cầu thì phê duyệt thiết kế và cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này (sau đây gọi là Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế).

Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế có hiệu lực tối đa là 12 tháng, kể từ ngày ký, nhưng không quá niên hạn sử dụng của xe (nếu có) hoặc không quá 15 năm, kể từ năm sản xuất của xe cơ giới (đối với trường hợp cải tạo thay đổi mục đích sử dụng).

Người thẩm định thiết kế của cơ quan thẩm định thiết kế phải là kỹ sư cơ khí ô tô đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam tập huấn nghiệp vụ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định trong công tác cải tạo xe cơ giới.

Hồ sơ đề nghị thẩm định thiết kế bao gồm: Văn bản đề nghị thẩm định thiết kế (bản chính) theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này; 04 bộ hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo có thành phần theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này; Tài liệu thông số, tính năng kỹ thuật của xe cơ giới cải tạo và các tổng thành, hệ thống cải tạo, thay thế (bản sao có xác nhận của cơ sở thiết kế); Bản sao có xác nhận của cơ sở thiết kế của một trong các giấy tờ sau: Giấy Đăng ký xe ô tô; Phiếu sang tên, di chuyển (đối với trường hợp đang làm thủ tục sang tên, di chuyển); Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc giấy tờ chứng nhận đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu (đối với xe cơ giới đã qua sử dụng được phép nhập khẩu, chưa có biển số đăng ký).

Tư vấn về điều kiện để kinh doanh xe bán hàng lưu động, theo luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh, xe tải bán hàng lưu động (food truck) đã có mặt lâu đời ở Mỹ và các nước phương Tây. Tại Việt Nam, mô hình kinh doanh này mới phổ biến từ đầu năm 2019, nhưng đã nhận được sự đón nhận của nhiều người sử dụng vì sự độc đáo, mới lạ. Những chiếc xe tải nhỏ có sự cách điệu và thiết kế độc đáo, không chỉ lôi cuốn, đẹp mắt, mà còn đáp ứng được nhu cầu sử dụng đa dạng của người tiêu dùng. Loại xe này hiện nay trở thành sự lựa chọn yêu thích của nhiều người khởi nghiệp với số vốn nhỏ, đặc biệt là các bạn trẻ năng động và đầy sáng tạo.

Sau khi phương tiện được cấp giấy phép hoạt động, người bán cần tuân thủ các loại giấy phép trong kinh doanh xe bán hàng lưu động. Cụ thể, tại Điều 3 Chương I Nghị định 39/2007/NĐ-CP (Số: 39/2007/NĐ-CP, ngày 16 tháng 03 năm 2007) quy định về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, kinh doanh lưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.

Các cá nhân hoạt động thương mại tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại, bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động sau đây: buôn bán rong (buôn bán dạo), buôn bán vặt, bán quà vặt, buôn chuyến, thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định…

Luật sư Kỹ cho rằng, tại các thành phố lớn, “tấc đất tấc vàng”, đây được xem là một giải pháp tuyệt vời giúp giải quyết vấn đề chi phí mặt bằng cho những người mới khởi nghiệp, chưa có nhiều vốn và kinh nghiệm. Chiếc xe lưu động có thể đưa cửa hàng đến vị trí thích hợp hoặc đổi sang một vị trí khác thích hợp hơn một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nhược điểm của xe bán hàng lưu động là vướng mắc về địa điểm kinh doanh và thời gian sử dụng ngắn.

Không giống như những gánh hàng rong có phần thô sơ, trên xe đẩy hay xe máy, xe đạp, xe tải bán hàng lưu động không chỉ hỗ trợ người sử dụng không gian bày bán các mặt hàng mà còn có thể cung cấp điện, nước, thu gom chất thải theo một hệ thống thông minh.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 32 Mục 4 Chương III Luật Quảng cáo năm 2012 (Luật số: 16/2012/QH13, ngày 21 tháng 6 năm 2012) việc quảng cáo trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của Luật này và pháp luật về giao thông; Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông; Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông; Việc thể hiện biểu trưng, lôgô, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông.

Việc kinh doanh đồ ăn, nước uống trên xe lưu động phải tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm tại Thông tư 30/2012/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế, chất lượng nước phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT; nước để sơ chế nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay phải đủ và phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 02:2009/ BYT; có đủ nước đá để pha chế đồ uống được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT…

“Có thể thấy, kinh doanh lưu động của cá nhân độc lập là hình thức kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh, song vẫn phải tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường, an toàn giao thông và trật tự đô thị, đồng thời thực hiện việc kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật…”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực