Đỗ xe sai quy định gây tai nạn có được hưởng bảo hiểm?

Thứ hai, 10/06/2024 11:22
(ĐCSVN) - Trường hợp xe ô tô bị tàu hỏa đâm làm hư hỏng vì đỗ gần đường ray, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định nguyên nhân để làm căn cứ đưa ra kết luận cuối cùng. Trên cơ sở đó và hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, đơn vị bảo hiểm sẽ xem xét có tiến hành bồi thường cho chủ xe hay không.

Theo Chỉ huy Đội Cảnh sát Giao thông trật tự, Công an quận Bắc Từ Liêm, khoảng 17h30 ngày 05/6 tại đoạn đường sắt trước số 5 ngõ 104 đường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, anh Đ.T.N. (SN 1985, ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dừng đỗ ô tô biển kiểm soát 30K-200.xx cạnh đường tàu, đoạn trước ngõ 104 sát với tuyến đường sắt.

Khi đoàn tàu đi tới, anh N. chạy ra định điều khiển ô tô ra chỗ khác nhưng không kịp. Ô tô bị tàu hỏa tông làm hư hỏng nặng phần đầu. Anh N. đứng gần xe may mắn không bị thương.

Hiện trường vụ việc (Ảnh: Bảo Lan) 

Cũng liên quan tới an toàn đường sắt, trước đó, cuối giờ chiều ngày 20/3/2019, xe ô tô biển số tỉnh Quảng Nam đã đậu trên đường ray nội bộ của ga Đà Nẵng, đoạn gần đường Hoàng Hoa Thám, phường Tân Chính, quận Thanh Khê. Một đầu máy xe lửa chạy trên đường này phải... chờ gần 1 giờ thì chủ xe mới có mặt lái xe đi, may mắn vì chưa có va chạm. Tuy hành vi trên chưa gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến hệ thống đường sắt nhưng chủ nhân chiếc xe vẫn bị lập biên bản để xử lý theo quy định.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ (đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết theo quy định tại Điều 18 Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Luật số: 23/2008/QH12, ngày 13 tháng 11 năm 2008), dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.

Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây: a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết; b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình; c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó; d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết; đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn; e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái; g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.

Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: a) Bên trái đường một chiều; b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; c) Trên cầu, gầm cầu vượt; d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ; đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; g) Nơi dừng của xe buýt; h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt.

Trong khi đó, quy định phạm vi bảo vệ đường sắt theo Điều 9 Chương III Nghị định 56/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 như sau:

- Phạm vi bảo vệ trên không của đường sắt tính từ đỉnh ray trở lên theo phương thẳng đứng không nhỏ hơn trị số sau: + Đối với đường sắt khổ 1000 milimét là 5,3 mét; + Đối với đường sắt khổ 1435 milimét là 6,55 mét; + Đối với đường sắt tốc độ cao là 7,7 mét; + Đối với tuyến đường sắt đô thị là 6,3 mét áp dụng phương thức lấy điện trên cao; 4,3 mét đối với tuyến đường sắt đô thị áp dụng phương thức lấy điện từ ray thứ ba; + Đối với các tuyến đường sắt hiện hữu đang khai thác không thỏa mãn điều kiện quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 9 Nghị định Chương III 56/2018/NĐ-CP, khi cải tạo, nâng cấp công trình vi phạm phạm vi bảo vệ đường sắt, chủ đầu tư dự án phải có giải pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và bảo đảm an toàn cho công trình đường sắt và phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi thực hiện.

- Phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường không đào, không đắp tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra được xác định như sau: + Đối với đường sắt tốc độ cao là 7,5 mét; + Đối với đường sắt đô thị là 5,4 mét; + Đối với đường sắt còn lại là 5,6 mét.

- Phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường đào, nền đường đắp được xác định như sau: + 05 mét tính từ chân nền đường đắp hoặc mép đỉnh nền đường đào; + 03 mét tính từ mép ngoài rãnh dọc hay mép ngoài rãnh đỉnh của nền đường hoặc mép ngoài của công trình phòng hộ, gia cố đối với nền đường có rãnh dọc hay rãnh đỉnh, có công trình phòng hộ, gia cố của nền đường.

Về giải quyết hậu quả, trong trường hợp chủ xe mua bảo hiểm vật chất cho chiếc ô tô này, họ sẽ được công ty bảo hiểm chi trả trong những trường hợp:

Đâm va, lật đổ, lệch trọng tâm, chìm, rơi toàn bộ xe; bị các vật thể khác rơi, va chạm vào; hành vi phá hoại của người khác; Hỏa hoạn, cháy, nổ; Những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên gây ra; Mất toàn bộ xe trộm, cướp…

Tuy vậy, trong hợp đồng bảo hiểm vật chất xe ô tô cũng có các điều khoản loại trừ. Đó là những trường hợp mà các công ty bảo hiểm sẽ không bồi thường cho chủ xe khi có sự cố xảy ra, bao gồm: Hành động cố ý gây hại của chủ xe, người điều khiển xe và những người có quyền lợi liên quan đến sở hữu, khai thác và sử dụng xe;

Điều khiển xe gây tổn thất khi có nồng độ cồn vượt quá quy định của pháp luật hiện hành được kết luận bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc sử dụng các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng;

Vận chuyển hàng trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về vận chuyển, xếp dỡ hàng; Không có giấy phép lái xe hợp lệ; Xe chở quá số người theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

Xe đi đêm không có đèn chiếu sáng theo quy định, xe đi vào đường cấm, khu vực cấm gây ra tai nạn…

Ngoài ra, theo quy định của một số công ty bảo hiểm, xe dừng, đỗ tại khu vực cấm dừng, đỗ theo quy định của pháp luật dẫn đến bị thiệt hại sẽ không được bồi thường bảo hiểm. Vì vậy, chủ xe cần dừng, đỗ xe đúng quy định để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Cụ thể, chủ xe cần nắm rõ những biển báo, ký hiệu về Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ hoặc giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp cho đơn vị được phép trông giữ xe theo quy hoạch đã được phê duyệt để tránh dừng, đỗ xe sai quy định.

Trường hợp dừng, đỗ xe bị phương tiện khác (xe máy, ô tô, tàu hoả…) tông phải, lực lượng chức năng kết luận là do dừng, đỗ sai quy định thì loại trừ bồi thường bảo hiểm.

Luật sư Kỹ phân tích, hành vi dừng đỗ xe ô tô trong hành lang an toàn đường sắt nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì người này sẽ bị xử lý hình sự, nếu hậu quả chưa nghiêm trọng thì có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính.

Cụ thể, quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Điểm d Khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP nêu rõ hành vi “Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông” thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Tùy vào hậu quả của vụ việc mà người lái xe còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Mục 1 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo ông Trần Cao Thắng, Trưởng ban An ninh an toàn, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, chủ xe ô tô đã đỗ xe quá gần đường ray. Ban lái tàu đã cố gắng hãm phanh nhưng không kịp. Lỗi sai hoàn toàn thuộc về người đỗ ô tô. Nếu đầu máy toa xe đường sắt phát sinh hư hỏng sau va chạm, chủ xe thậm chí phải đền bù thiệt hại cho công ty đường sắt.

Thực tế trên cho thấy cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đồng thời kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những hành vi dừng đỗ xe sai quy định có thể gây ra tai nạn giao thông để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo ghi nhận thực tế, không chỉ khu vực đường sắt xảy ra vụ việc ở Hà Nội hay Đà Nẵng hai bên là nhà dân và chợ dân sinh, việc người dân dừng đỗ gần đường tàu diễn ra thường xuyên mà trên một số tuyến đường sắt thuộc quản lý của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trên cả nước, tình trạng người dân tự ý mở đường ngang dân sinh, tự ý đặt tấm ván, xây lối ra vào qua đường ray để điều khiển phương tiện vào nhà vẫn diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an toàn giao thông.

Ngay như tại khu trung tâm Hà Nội, nhiều du khách vẫn thực sự muốn khám phá và trải nghiệm cảm giác nhâm nhi ly cà phê, nước trái cây, hay chỉ đơn giản là ngồi cạnh khu vực mép ray tàu.

“Hàng rào, hành lang an toàn đường sắt là để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết và đảm bảo tầm nhìn cho người tham gia giao thông. Do đó, công tác xử lý các vi phạm hành lang an toàn đường sắt là vấn đề cấp bách, cần sớm chấn chỉnh tình trạng này”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực