Đòi nợ sai cách có thể vướng lao lý

Thứ tư, 31/05/2023 09:25
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Theo chuyên gia luật pháp, không ít trường hợp chủ nợ đã vướng vòng lao lý vì đòi nợ sai cách (vi phạm pháp luật), con nợ (người vay) lại trở thành bị hại trong các vụ án...
 Một vụ đập phá tài sản để đòi nợ ở xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An bị cơ quan công an khởi tố tháng 7/2022. (Ảnh: Công an tỉnh Long An)

Những năm qua, đã có không ít vụ việc liên quan đòi nợ sai cách khiến chủ nợ vướng vòng lao lý với các tội danh phổ biến như: Cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp, hủy hoại tài sản...và con nợ lại “bỗng dưng” trở thành bị hại trong các vụ án này khiến cho việc đòi nợ của các chủ nợ ngày càng trở nên bế tắc...

Bàn về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Quan hệ vay tài sản là quan hệ dân sự hợp pháp được pháp luật thừa nhận, được điều chỉnh bởi các quy định về hợp đồng vay tài sản trong Bộ luật Dân sự 2015. Việc vay mượn có thể được các bên lập thành văn bản hoặc thông qua lời nói, hành vi cụ thể được quy định Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 về hình thức hợp đồng.

Trường hợp khi đã giao kết hợp đồng mà một trong các bên vi phạm nghĩa vụ dẫn đến phát sinh tranh chấp, thì nếu giải quyết tranh chấp phát sinh này sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân theo thủ tục tố tụng dân sự. Các bên sẽ xuất trình các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình.

Tuy nhiên, nhiều chủ nợ đã vướng lao lý như giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp, cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng…

Luật sư Nguyễn Văn Đồng dẫn chứng cụ thể vụ án bà Nguyễn Thị Chiến (61 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) cùng 6 đồng phạm sắp bị Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử về các tội "Cưỡng đoạt tài sản", "Giữ người trái pháp luật".

Về tình tiết, bà Chiến là chủ nợ của Ngô Thị C (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ nhiều năm trước khi bà và con trai đã đưa gần 5,2 tỉ đồng để bà C mua đất giúp. Không mua được đất, bà Chiến nhiều lần đòi lại tiền bà C không được nên nhờ một nhóm người đòi nợ thuê, dẫn đến vướng lao lý với 2 tội danh trên.

 Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
(Ảnh: Kim Chiến)

Từ thực tế vụ án trên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho rằng, kết cục của những hành vi “đòi nợ trái pháp luật” có thể dẫn đến từ chủ nợ bỗng vướng lao lý, con nợ thành bị hại. "Vì vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo khi đi đòi nợ tránh gặp bất lợi, rủi ro pháp lý", Luật sư Đồng nhấn mạnh.

Trường hợp người vay tài sản vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng vay tài sản, nhưng có các dấu hiệu như: Chiếm đoạt (không trả lại) tài sản đã được giao bằng thủ đoạn gian dối; không trả lại tài sản được giao khi đến hạn mặc dù có điều kiện, khả năng trả; đã sử dụng tài sản được giao vào mục đích bất hợp pháp, thì người cho vay tài sản (chủ nợ) hoàn toàn có đủ cơ sở để tố giác hành vi của người vay nợ lên cơ quan công an về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Số tiền chiếm đoạt trên 500 triệu đồng hình phạt sẽ là phạt tù từ 12 - 20 năm. Số tiền chiếm đoạt tối thiểu để bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này là 4 triệu đồng.

Trong trường hợp hành vi “đòi nợ trái pháp luật” của chủ nợ dẫn đến bản thân vướng vào lao lý, bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì trong vụ án hình sự này chủ nợ (người cho vay) trở thành người bị buộc tội (bị can, bị cáo), còn người vay nợ lại là nạn nhân của hành vi đòi nợ trái pháp luật.

Trong vụ án hình sự này chủ nợ là người thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật dẫn tới bị truy cứu trách nhiệm hình sự ngoài bị xử lý bởi chế tài hình sự còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường về dân sự do có hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của nạn nhân (là con nợ).

Trường hợp nạn nhân có dấu hiệu thông qua quan hệ vay mượn hợp pháp mà cố ý chiếm đoạt tài sản của người bị buộc tội (là chủ nợ) thì có thể cơ quan tố tụng sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự người vay tài sản về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo quy định pháp luật.

“Việc người vay nợ trở thành bị hại của hành vi đòi nợ trái pháp luật không làm chấm dứt nghĩa vụ phải trả nợ. Người vay nợ vẫn phải trả nợ cho chủ nợ kể cả họ vướng lao lý, nếu chậm trả nợ vẫn phải chịu thêm lãi suất đối với khoản nợ đó theo thỏa thuận và theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Chủ nợ nếu không trực tiếp đòi nợ được thì có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc đòi nợ này” – Luật sư Đồng cho biết thêm.

Từ những phân tích trên của chuyên gia pháp lý cho thấy, người dân cần hết sức thận trọng trong các giao dịch dân sự hằng ngày, cần đọc kỹ các điều khoản hợp đồng vay mượn, thế chấp tài sản đảm bảo cho hợp đồng vay tài sản được khả thi. Khi có tranh chấp hợp đồng vay tài sản nếu không tự thu hồi được tài sản cần tư vấn luật sư để có các biện pháp thu hồi tài sản một cách hiệu quả, đúng pháp luật.

Ngoài ra, người vay tài sản cũng cần tôn trọng thỏa thuận trong hợp đồng đã giao kết, các quy định về lãi suất các bên cho vay cũng phải đúng theo quy định pháp luật, giải quyết tranh chấp một cách thấu tình đạt lý, tránh để xảy ra việc đòi nợ trái pháp luật dẫn tới hậu quả đáng tiếc.../.                                                                                       

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực