Đóng trùng bảo hiểm xã hội có được hoàn trả?

Thứ tư, 10/05/2023 17:31
(ĐCSVN) - Bạn đọc Đặng Thị Kim, sống tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội hỏi: “Tôi đang làm việc cho 2 đơn vị và được cả hai nơi đóng bảo hiểm xã hội. Vậy số tiền đóng trùng nói trên có được hoàn trả không, thủ tục ra sao?”

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Quyết định 922/VBHN-BHXH ngày 05 tháng 4 năm 2023 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Người lao động đồng thời có từ 2 hợp đồng lao động trở lên với nhiều đơn vị khác nhau sẽ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo hợp đồng giao kết đầu tiên, đóng bảo hiểm y tế (BHYT) theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất, đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động.

Việc người lao động tham gia đóng BHXH đồng thời tại cả 2 công ty là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Khoản 4 Điều 85 Chương V Luật BHXH năm 2014 (Luật số: 58/2014/QH13, ngày 20 tháng 11 năm 2014) nêu rõ người lao động quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 2 của Luật này mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì chỉ đóng BHXH theo quy định tại Khoản 1 Điều này đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.

Đóng trùng bảo hiểm xã hội giải quyết thế nào? (Ảnh minh họa, nguồn: luatvietnam.vn) 

Còn tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013 (Luật số: 38/2013/QH13, ngày 16 tháng 11 năm 2013) quy định người lao động phải tham gia BHTN khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHTN.

Luật sư Kỹ phân tích, tại Tiết e Điểm 3.1 Khoản 3 Điều 43 Mục 2 Chương VI Quyết định 595/QĐ-BHXH, ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quy định về Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế nêu rõ, trường hợp một người có từ 2 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau, cơ quan BHXH thực hiện hoàn trả cho người lao động số tiền đơn vị và người lao động đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và số tiền đã đóng vào quỹ BHTN (bao gồm cả số tiền thuộc trách nhiệm đóng BHXH, BHTN của người sử dụng lao động), không bao gồm tiền lãi.

Do đó, với trường hợp của bạn, khi giao kết hợp đồng lao động cùng lúc với 2 đơn vị, đơn vị đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHXH, BHTN cho người lao động, trong khi đó đơn vị thứ 2 sẽ trả tiền tham gia BHXH, BHTN trực tiếp vào lương bằng mức đóng BHXH, BHTN.

Trên thực tế, thời gian tham gia BHXH, BHYT, BHTN trùng tại nhiều đơn vị phát sinh khi NLĐ hoặc bộ phận nhân sự sai sót khi không kiểm tra thời gian đóng tại đơn vị làm việc trước đó, hoặc NLĐ có nhiều sổ BHXH khác nhau. Khi người lao động xin hưởng các chế độ BHXH đều không được giải quyết hoặc khi người lao động nghỉ việc gặp phải khó khăn trong quá trình chốt sổ BHXH. Thời gian đóng trùng sẽ không được cộng thêm để tính bổ sung thời gian đã đóng BHXH mà phải thực hiện hoàn trả bằng tiền.

Căn cứ Điểm 2.5 Khoản 2 Điều 2 Chương I Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định: “Hoàn trả: là việc cơ quan BHXH chuyển trả số tiền được xác định không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN hoặc đóng thừa khi ngừng giao dịch với cơ quan BHXH; đóng trùng cho cơ quan, đơn vị, cá nhân đã nộp cho cơ quan BHXH”.

“Thời gian đóng trùng BHXH, BHTN nếu được xác nhận thừa sẽ được cơ quan BHXH hoàn trả số tiền đóng”, luật sư Kỹ chia sẻ.

Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Mục 1 Chương III Quyết định 595/QĐ-BHXH, hồ sơ hoàn trả tiền đã đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện, người có từ 2 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau, người tham gia BHYT theo hộ gia đình, người tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng, bao gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); Sổ BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện, người có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau nộp tất cả các sổ BHXH; Văn bản chứng thực hoặc bản kèm theo bản chính Giấy chứng tử đối với trường hợp chết. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

Theo Khoản 1 Điều 3 Chương I Luật Bảo hiểm xã hội 2014, BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

“Như vậy, BHXH và BHYT là 2 trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội, do Nhà nước tổ chức và được bảo đảm thực hiện dựa trên các văn bản pháp lý”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực