Vào Google gõ từ khóa “thiết bị nghe lén”, “theo dõi vị trí từ xa”, lập tức chúng ta nhận được hàng triệu kết quả với đủ tên tuổi công ty, trang mạng, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử rao bán và giao hàng tận nơi mà giá cũng chỉ vài ba triệu đồng. Thực tế, chỉ với một chiếc SIM điện thoại kết nối mạng Internet, nhà sản xuất có thể tạo ra các thiết bị định vị nhỏ và nhẹ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.
Các thiết bị nói trên không chỉ đa dạng kiểu dáng, màu sắc, mà tính năng cũng chiều lòng nhiều người. Đơn giản nhất là xác định vị trí, nhắn tin thoại hai chiều, gọi video hai chiều, chụp ảnh, cuộc gọi khẩn cấp bằng một nút nhấn hay nghe nhạc, đo bước đi....
Hiện đại hơn thì đồng hồ thông minh kết nối bố mẹ và con, hỗ trợ người cao tuổi; thiết bị định vị giúp theo dõi đối thủ cạnh tranh, nhân viên; hoặc thiết bị quản lý, theo dõi vị trí dùng cho phương tiện giao thông vận tải (xe máy, ô tô).
|
Đừng quá lạm dụng về công nghệ để tránh hậu quả đáng tiếc (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Tuổi trẻ) |
Xét cho cùng, đó chỉ là những vật vô tri vô giác, được con người nghiên cứu, sản xuất và gắn những tính năng nhất định theo nhu cầu của người sử dụng. Điều quan trọng nhất là mục đích sử dụng của người đó thế nào mà thôi, và đương nhiên nếu vi phạm sẽ bị pháp luật xử lý.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, Điều 21 Chương II Hiến pháp năm 2013 (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013) có nêu rõ: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Luật sư Kỹ cho rằng trên thực tế, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ thì hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác đang ngày có xu hướng gia tăng, thậm chí công khai hơn trên nhiều nền tảng mạng xã hội.
Điều 38 Mục 2 Chương III Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015) quy định về Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cụ thể như sau:
Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo luật sư, tùy thuộc vào mức độ, tính chất, hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức có thể bị xem xét xử lý theo Điều 159 Chương XV Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017, có quy định về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.
Thậm chí, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Làm nạn nhân tự sát.
Thực tế đã có nhiều vụ việc liên quan tới hành vi sử dụng thiết bị nghe lén, theo dõi từ xa… không đúng mục đích, vi phạm pháp luật, gây ra các hậu quả khôn lường như gây rối, mất trật tự an toàn xã hội, cạnh tranh kinh doanh không lành mạnh…. Thậm chí, nếu đủ căn cứ người vi phạm còn có thể bị quy vào các tội như vu khống, làm nhục người khác theo Điều 155 và Điều 156 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017.
“Với thực tế xã hội ngày nay, chúng ta cần luôn luôn điều chỉnh hành vi một cách phù hợp để là người tiêu dùng thông minh, công dân gương mẫu, tuân thủ pháp luật, quyền con người và đừng quá lạm dụng về công nghệ”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.