Gây tai nạn bỏ trốn đối diện mức hình phạt nào?

Thứ năm, 07/10/2021 11:32
(ĐCSVN) - Lái ôtô đi sai làn đường, không làm chủ được tốc độ, tông vào xe máy rồi bỏ chạy trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang (đoạn qua huyện Tiên Du, Bắc Ninh), đối tượng Lê Văn Thi (68 tuổi ở khu 2, phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh) đã bị công an huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh tạm giữ hình sự.

Theo hồ sơ từ cơ quan công an, sau va chạm, xe Camry BKS 30X-1981 còn đẩy xe máy BKS 99C1-463.43 thêm khoảng 1 km thì đâm vào vỉa hè rồi dừng lại. Vụ tai nạn khiến một người trên xe máy tử vong tại chỗ là ông L.V.T. (57 tuổi, trú tại Lộc Bình, Lạng Sơn), nạn nhân còn lại bị thương là N.Đ.V. (52 tuổi, tài xế xe máy).

 Tài xế Lê Văn Thi làm việc với công an sau khi gây tai nạn (Ảnh: Công an cung cấp)

Với hành vi trên, ông Thi sẽ đối diện hình phạt nào? Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Kỹ, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm, dưới góc độ pháp lý, Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định, người điều khiển phương tiện giao thông và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm:

- Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu

- Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất

- Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm là việc làm bị nghiêm cấm.

Dưới góc độ xã hội, hành vi gây tai nạn xong bỏ chạy, bỏ mặc nạn nhân và không giữ nguyên hiện trường là hành động đáng lên án, không thể chấp nhận. Do hành vi có yếu tố cấu thành tội phạm hình sự nên việc cơ quan điều tra tạm giữ hình sự ông Thi để điều tra là có cơ sở.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng (đối với người điều khiển xe ô tô) và phạt tiền từ 6-8 triệu đồng (đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy).

Cận cảnh chiếc xe mô tô sau vụ va chạm. (Nguồn: atgt.vn)

Với việc làm chết người và bỏ chạy sau khi gây tai nạn được xem là tình tiết tăng nặng, người lái xe này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người nào tham gia giao thông mà làm chết một người hoặc làm tổn hại sức khỏe của một người từ 61% trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe 2 người 31-60% hoặc gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ từ 61% đến 121% thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

"Trường hợp gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, người phạm tội sẽ đối diện mức phạt 3-10 năm tù", luật sư Kỹ cho biết.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong chỉ huy, xử lý điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, theo Trung tá Lê Công Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, công an quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng chia sẻ, chưa bàn đúng sai thế nào nhưng xét về mặt đạo đức thì đây là hành vi không thể chấp nhận được, chưa kể việc gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy còn gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, hệ lụy từ việc gây tai nạn xong bỏ chạy là rất nhiều, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, giờ đầu tiên khi tai nạn giao thông được coi là “giờ vàng” với nạn nhân vì trong khoảng thời gian này, nếu cấp cứu kịp thời, khả năng nạn nhân được cứu sống cao hơn và hạn chế sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Việc cấp cứu kịp thời và đảm bảo các yếu tố có thể làm giảm tỉ lệ tử vong đến 25%.

"Rõ ràng, việc lái xe gây tai nạn rồi bỏ chạy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều thể hiện sự xuống cấp về đạo đức của người điều khiển phương tiện giao thông. Để ngăn chặn tình trạng này xảy ra, rất cần sự phối hợp, giúp đỡ của mọi người dân", Trung tá Lê Công Tuấn nhấn mạnh.

Xét cho cùng, điều quan trọng nhất, mỗi người tham gia giao thông phải tự giác nâng cao ý thức chấp hành, phải xác định được rằng, gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường bỏ mặc người bị nạn không chỉ vi phạm về mặt đạo đức, quy tắc ứng xử văn hóa giao thông mà còn là hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng mà mỗi người khi tham gia giao thông cần biết./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực