Giả cảnh sát, thu tiền "bảo kê" nhóm chăn dắt ăn xin bị xử phạt ra sao?

Thứ bảy, 27/11/2021 11:46
(ĐCSVN) - Mạo danh Thượng úy cảnh sát, doạ bắt những người chăn dắt ăn xin, buộc nộp tiền bảo kê, ngày 26/11, Nguyễn Hoàng Tuấn bị Công an quận 11, TP Hồ Chí Minh tạm giữ về hành vi cưỡng đoạt tài sản; Nguyễn Năng Tiến (28 tuổi, quê Thanh Hoá) bị điều tra hành vi chăn dắt người ăn xin.

Làm việc với công an, Tuấn khai sau khi tốt nghiệp Đại học đi làm nhân viên văn phòng nhiều nơi nhưng lương thấp nên nghỉ. Hồi đầu năm, biết Tiến chăn dắt người lang thang, ăn xin ở khu vực công viên nước Đại Thế Giới trên đường Võ Văn Kiệt (quận 5) nên nảy sinh ý định giả cảnh sát đòi tiền bảo kê.

Đặt mua quân phục trên mạng, Tuấn đi xe biển số xanh giả chặn đường nhóm ăn xin, xưng là "cán bộ thuộc tổ liên ngành TP Hồ Chí Minh", chuyên xử lý những người lang thang, ăn xin trên địa bàn và doạ sẽ đưa nhóm Tiến vào trung tâm bảo trợ xã hội. Nếu muốn yên ổn "làm ăn", Tiến phải đưa 1-2 triệu đồng mỗi tháng.

 Cơ quan điều tra khám xét nơi ở của đối tượng Nguyễn Hoàng Tuấn (Ảnh: Nhật Vy)

Trong thời gian TP Hồ Chí Minh giãn cách phòng chống COVID-19, Tiến không cho nhóm ăn xin hoạt động nên Tuấn không nhận được tiền bảo kê. Từ tháng 10/2021, anh ta phát hiện nhóm này trên đường nên bám theo đòi tiền. Đến ngày 24/11, khi đang thu tiền của Tiến tại giao lộ Ba Tháng Hai - Lê Đại Hành thì bị trinh sát Phòng hình sự TP Hồ Chí Minh cùng Công an quận 11 bắt giữ.

Cơ quan điều tra đang làm rõ nguồn gốc xe máy biển xanh, quân phục của Tuấn và động cơ khác của đối tượng.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Kỹ, Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm, Luật trẻ em số 102/2016/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 05/4/2016 đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện các quyền trẻ em, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền lợi hợp pháp cho trẻ em. Luật gồm 7 chương với 106 điều, trong đó có 25 điều quy định về quyền của trẻ em, đồng thời nêu rõ việc dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang và lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự.

Cụ thể, về xử phạt hành chính: Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 23 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2013, việc lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Việc tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng theo quy định tại Điểm a, b Khoản 3 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Về xử lý hình sự: Nếu đối tượng lợi dụng trẻ em để đi ăn xin trục lợi có hành vi chăn dắt ép buộc, đối xử tàn ác, bắt trẻ em làm công việc nặng nhọc, độc hại, đánh đập,gây thương tích… mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự theo Khoản 1 Điều 170 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Chiến sĩ công an đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo được sự an toàn cho người dân. Công an Nhân dân là lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Với vai trò và trách nhiệm lớn lao đó thì để tham gia vào lực lượngnày cần phải trải qua sự tuyển chọn gắt gao.

Do đó, Luật sư Kỹ cho rằng nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ xác định cá nhân có hành vi giả mạo công an nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì người đó cũng có thể bị xử theo Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm c Khoản 2 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng,chống bạo lực gia đình, với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác.

“Nngười đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cũng như xử lý nghiêm các đối tượng, nhóm đối tượng có hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền con người, đặc biệt là quyền của trẻ em - mầm non, tương lai của đất nước”, Luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

AnhTuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực