Giải quyết như thế nào khi mua phải đất đang tranh chấp?

Thứ năm, 18/01/2024 14:32
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trong giao dịch mua bán đất đai, không hiếm các trường hợp mua phải đất đang tranh chấp. Vậy theo quy định của pháp luật, phải giải quyết việc này như thế nào?

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Phạm Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Phạm Thanh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: Thông thường, việc mua đất ở để ổn định cuộc sống, ai cũng mong muốn mọi việc suôn sẻ. Tuy nhiên thực tế có không ít các trường hợp người đi mua đất (do tìm hiểu không kỹ, hoặc thiếu thông tin) mua phải các mảnh đất đang có tranh chấp.

Luật sư Phạm Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Phạm Thanh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội). (Ảnh: Kim Chiến) 

Theo Luật sư Tùng, để giải quyết vấn đề này theo đúng quy trình, trước tiên người mua đất cần kiểm tra lại toàn bộ giấy tờ mua bán và hồ sơ thửa đất và xem xét việc chuyển nhượng diễn ra vào thời điểm nào?

Theo quy định tại khoản 3, Điều 167, Luật Đất đai 2013 thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở thời điểm hiện tại phải được lập thành văn bản có công chứng/chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Tiếp theo, cần xác định thửa đất đó đang diễn ra tranh chấp gì? Đang tranh chấp với ai? Từ thời điểm nào?

Căn cứ tại khoản 24, Điều 3 của Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Tranh chấp đất đai chính là việc tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Như vậy, theo quy định trên, tranh chấp đất đai được hiểu ở đây là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất với các bên khác.

Do đó, để có thể giải quyết được vấn đề, người mua phải đất tranh chấp cần xác định được thửa đất này đang có tranh chấp với ai và tranh chấp về nội dung gì.

Sau khi tìm hiểu rõ các vấn đề, người mua phải đất tranh chấp có thể thực hiện các bước sau:

Bước 1: Tổ chức thương lượng, đàm phán giữa bạn, bên chuyển nhượng và bên xảy ra tranh chấp. Đây là phương án giải quyết tối ưu nhất, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí thực hiện, đồng thời cũng giúp giữ hoà khí giữa các bên. Tuy nhiên, khi không thể thương lượng được với nhau thì bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn tại bước 2.

Bước 2: Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 202, Luật Đất đai 2013 thì: “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”.

Theo quy định trên, bạn có thể nộp đơn đề nghị hoà giải tại UBND xã nơi có đất đang tranh chấp, đề nghị tổ chức hòa giải giữa các bên. UBND được coi là một bên trung gian độc lập, có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết tranh chấp để đưa ra các lời khuyên về quyền lợi, nghĩa vụ của các bên để trao đổi. Việc hòa giải này được thực hiện hoàn toàn dựa trên sự thiện chí của các bên. Nếu hòa giải tại UBND không thành thì bạn có thể tiến hành bước 3 là, thực hiện khởi kiện tại Toà án nhân dân có thẩm quyền.

Bước 3: Theo quy định tại khoản 2, Điều 203, Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

“Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận, hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết các vụ án khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Trong trường hợp hòa giải không thành tại UBND cấp xã, người mua phải đất tranh chấp có quyền nộp Đơn khởi kiện, cùng tài liệu, giấy tờ kèm theo tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp nêu trên.

* Hồ sơ khởi kiện tranh chấp đất đai gồm những giấy tờ như sau:

+ Đơn khởi kiện (đơn khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai có thể được soạn theo mẫu đơn khởi kiện 23-DS).

+ Biên bản hòa giải tại UBND (bản sao).

+ Căn cước công dân/ chứng minh nhân dân của người khởi kiện, người bị kiện (bản sao).

+ Giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất (bản sao).

+ Hồ sơ, giấy tờ mua bán của bạn (Bản sao).

+ Các giấy tờ liên quan khác.

“Ngoài ra, căn cứ theo Điều 188. Luật Đất đai 2013 thì ông A. chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi đáp ứng các điều kiện được quy định, trong đó có điều kiện là đất không tranh chấp.

Trong trường hợp đất có tranh chấp mà ông A. vẫn chuyển nhượng (bán) cho người khác thì giao dịch dân sự này sẽ bị vô hiệu nếu như có người yêu cầu tòa tuyên bố vô hiệu theo quy định tại Điều 122. Bộ luật Dân sự 2015. Về việc ông A. có biết đất của mình có tranh chấp hay không là để xét đến yếu tố lỗi, nếu ông A. không biết thì không có lỗi và không phải bồi thường thiệt hại cho bên mua.

Do đó, căn cứ theo quy định của pháp luật, người mua đất có thể nộp đơn đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu tuyên bố giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông A. và mình là vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, buộc ông A. phải trả lại số tiền đã nhận từ việc chuyển nhượng này, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có)” – Luật sư Tùng cho biết thêm./.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực