Giấy phép lái xe có được do khai báo gian dối xử lý thế nào?

Thứ hai, 08/05/2023 12:26
(ĐCSVN) - Theo luật sư, giấy phép lái xe mới của những người có hành vi gian dối để được đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép sẽ không có giá trị sử dụng. Nếu bị phát hiện hành vi vi phạm này, chủ xe sẽ bị phạt và không được cấp Giấy phép lái xe trong vòng 5 năm kể từ ngày bị phát hiện.

Một số bạn đọc thắc mắc nếu tài xế vi phạm luật giao thông đường bộ (trực tiếp trên đường, hoặc bị phát hiện thông qua các thiết bị giám sát, theo dõi chuyên ngành…) mà bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không có tiền hoặc cố tình không nộp phạt, thậm chí gian dối để có được giấy phép lái xe khác thì chế tài xử phạt thế nào?

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết xử phạt vi phạm hành chính là biện pháp phổ biến nhằm răn đe, khắc phục các hậu quả do chính hành vi đó gây ra. Tuy nhiên, trên thực tế không ít những trường hợp người vi phạm lấy lý do không đủ khả năng chi trả, cố tình trốn tránh nghĩa vụ nộp phạt.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Chương II Thông tư 153/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính, quá thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Điều 6 Phần thứ nhất Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật số: 15/2012/QH13, ngày 20 tháng 6 năm 2012), sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật số: 67/2020/QH14, ngày 13 tháng 11 năm 2020) nêu rõ thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm tính từ thời điểm hành vi vi phạm hành chính kết thúc. Nếu cơ quan chức năng đã ban hành quyết định xử phạt, đã gửi tới người thực hiện hành vi vi phạm mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Theo Khoản 1 Điều 73 Mục 2 Chương III Phần thứ hai Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Tuy nhiên, trong trường hợp, cá nhân tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 86 Mục 3 Chương III Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Cụ thể, khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản; buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 1 Điều 28 Mục 2 Chương I Phần thứ hai của Luật này.

Luật sư Tuấn phân tích, theo quy định tại Điều 79 Mục 2 Chương III Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính bị phạt tiền phải nộp tiền phạt một lần, trừ trường hợp được nộp phạt nhiều lần sau đây:

- Việc nộp phạt hành chính nhiều lần được áp dụng khi đủ các điều kiện sau: Bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 150.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức; đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế; có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần.

Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.

Đơn đề nghị của tổ chức phải được Ủy ban Nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.

- Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực. Số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần.

- Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt.

- Người đã ra quyết định phạt tiền có quyền quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần. Quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản.

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: "Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: Giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này".

“Thực tế, những lỗi vi phạm chỉ bị phạt tiền mà người vi phạm có Giấy phép lái xe thì lực lượng chức năng sẽ tạm giữ Giấy phép đó. Có nhiều lý do để người vi phạm quyết định bỏ luôn như mức phạt cao hơn chi phí cấp lại Giấy phép lái xe, có Giấy phép lái xe khác hoặc có Giấy phép lái xe giả, người vi phạm ở các tỉnh thành khác "ngại" quay lại nộp phạt...”, luật sư Tuấn chia sẻ.

 Ảnh minh họa. Nguồn: giaothonghanoi.kinhtedothi.vn

Do vậy, Thông tư 38/2019/TT-BGTVT ngày 08 tháng 10 năm 2019 của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ nêu rõ giấy phép lái xe mới của những người có hành vi gian dối để được đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép sẽ không có giá trị sử dụng.

Đối với những hành vi vi phạm này, người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, cụ thể theo Điểm g Khoản 3 Điều 37 Mục 6 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Số: 100/2019/NĐ-CP, ngày 30 tháng 12 năm 2019), quy định: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với cá nhân khai báo không đúng sự thật hoặc sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để được học, kiểm tra, sát hạch mới, cấp lại giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. 

Ngoài ra, Khoản 14 Điều 33 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT nêu rõ: "Người tẩy xóa, làm sai lệch các thông tin trên giấy phép lái xe; sử dụng giấy phép lái xe đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; có hành vi gian dối khác để được đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép lái xe ngoài việc bị cơ quan quản lý giấy phép lái xe ra quyết định thu hồi giấy phép lái xe, hồ sơ gốc và cập nhật dữ liệu quản lý trên hệ thống giấy phép lái xe còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp giấy phép lái xe trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày phát hiện vi phạm, nếu có nhu cầu cấp lại giấy phép lái xe phải học và sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu".

Trước đó, từ tháng 6/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kết nối chia sẻ dữ liệu quản lý giấy phép lái xe và cập nhật dữ liệu xử lý vi phạm của cảnh sát giao thông. Khi cảnh sát giao thông kiểm soát trên đường có thể tra cứu vào phần mềm bất cứ lúc nào để biết ngay được lái xe có sử dụng giấy phép lái xe thật hay giả, nơi cấp, thời gian cấp, hạng giấy phép… Ngược lại, cơ quan cấp giấy phép lái xe qua phần mềm cũng biết được tình trạng giấy phép lái xe, bao nhiêu lần bị cảnh sát giao thông tạm giữ, bị xử lý vi phạm khi cấp lại giấy phép lái xe…

Đáng chú ý, theo Thông tư 70/2015/TT-BGTVT ngày 09 tháng 11 năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đơn vị đăng kiểm không được kiểm định xe khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định.

“Thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ số, công dân số, cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện cho người vi phạm nộp phạt, pháp luật đã cho phép người vi phạm nộp phạt trực tuyến và nhận giấy tờ xe qua đường bưu điện hoặc có thể nộp phạt qua bưu điện mà không cần quay lại nơi vi phạm để giải quyết”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực