Giết mổ, tàng trữ hổ có thể bị xử lý thế nào?

Thứ bảy, 15/01/2022 12:01
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, đang tạm giữ hình sự ông Ngô Văn Quân, 52 tuổi, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong (nhiệm kỳ 2021 - 2026) để điều tra về hành vi tàng trữ, giết mổ một cá thể hổ.

Hồ sơ vụ việc ghi rõ, ngày 6/1, kiểm tra đột xuất nhà ông Quân, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Công an thị xã Phổ Yên phát hiện một con hổ vừa bị giết để nấu cao.

Không chỉ thu giữ tại hiện trường một xác hổ đông lạnh, một bộ xương hổ, 2 bộ da hổ, một đầu sơn dương đông lạnh và nhiều xương, thịt động vật được cất giấu ở khu vực bếp, sân nhà, cơ quan chức năng còn tìm thấy 1.578 gói cao, 21 lọ thủy tinh đựng chất lỏng dán nhãn "1 cc mật gấu tươi".

Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết đang tạm giữ toàn bộ tang vật liên quan, bàn giao hồ sơ, nghi phạm và tang vật cho Công an thị xã Phổ Yên điều tra theo thẩm quyền.

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra nhà ông Quân và thu giữ những tang vật liên quan (Ảnh: Công an cung cấp)

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Nguyễn Thế Bách, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm, hổ là động vật hoang dã nằm trong danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, thuộc Nhóm IB theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019. Do đó, nuôi nhốt, giết mổ hổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 11 năm 2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao nêu rõ xương, da... là những bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống.

Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm; người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm Nhóm IB (bao gồm loài bị đe dọa tuyệt chủng, bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại) hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì ông Quân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi tàng trữ một cá thể hổ và nhiều bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của cá thể lớp thú, bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù 1-5 năm.

Cơ quan điều tra cũng cần làm rõ 1.578 gói cao trong nhà ông Quân được làm từ đâu. Nếu được làm từ một trong những loại động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB (bao gồm loài chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể sẽ bị tuyệt chủng, nếu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật những loài này khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại không được kiểm soát) thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã theo Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với khung hình phạt tối thiểu là cải tạo không giam giữ đến 3 năm và tối đa là 15 năm. Ngoài ra, người bị kết tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền 50-200 triệu đồng.

Luật gia Nguyễn Thế Bách phân tích thêm, do ông Quân đang giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã nên cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý thêm theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về xử lý cán bộ, công chức, viên chức.

Trên thế giới có hàng nghìn loài động vật hoang dã được xác định đang có nguy cơ tuyệt chủng và gần tuyệt chủng cần được bảo vệ cấp bách, nơi trú ẩn của hơn một nửa số sinh vật hiện đang tồn tại trên trái đất cũng đang bị thu hẹp khiến vô số loài động vật hoang dã đã biến mất bởi môi trường sống của chúng bị tàn phá.

Hiện tình hình tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sự phát triển bình thường của các loài động vật trên đất nước Việt Nam nói chung. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong việc chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm cũng như xử lý thật nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực