Hà Nội: 13 ô tô hư hỏng do tường sập, ai đền?

Thứ bảy, 10/07/2021 16:57
(ĐCSVN) - Sự việc bức tường dài khoảng 50 mét, cao hơn 2 mét của trường mầm non Mai Dịch nằm phía ngõ 245 Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội bất ngờ đổ sập, đè bẹp đầu 13 chiếc ô tô xảy ra phát sinh hàng loạt vấn đề và nhiều mối quan hệ pháp luật cần phải xem xét, giải quyết một cách thấu đáo, đảm bảo quyền lợi cũng như nghĩa vụ giữa các bên.

Báo chí phản ánh rạng sáng 8/7, bức tường dài khoảng 50 mét, cao hơn 2 mét của trường mầm non Mai Dịch nằm phía ngõ 245 Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội bất ngờ đổ sập, đè bẹp đầu 13 chiếc ô tô gây xôn xao dư luận.

Hiện trường cho thấy bức tường sập đổ không có dấu hiệu cốt sắt, vỉa hè không có biển cấm ô tô và kẻ ô vạch đỗ xe theo quy định, nguyên nhân ban đầu xác định do cơn mưa to rạng sáng cùng ngày.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng sự việc hy hữu này xảy ra phát sinh hàng loạt vấn đề và nhiều mối quan hệ pháp luật cần phải xem xét, giải quyết một cách thấu đáo, đảm bảo quyền lợi cũng như nghĩa vụ giữa các bên.

 Một chiếc xe bị hư hỏng trong sự việc (Ảnh: Lan Thảo)

Thứ nhất, về trách nhiệm bồi thường từ các công ty bảo hiểm. Do tường đổ được xác định là tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe nên công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả thiệt hại theo nội dung hợp đồng đã ký. Điều kiện để công ty bảo hiểm chi trả đó là: có sự kiện bảo hiểm xảy ra; sự kiện thuộc phạm vi bảo hiểm không rơi vào các trường hợp loại trừ quy định tại Hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực; phương tiện, người lái đảm bảo các quy định của Luật giao thông đường bộ.

Thứ hai, đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh điểm trông giữ xe nếu xác định không được cấp Giấy phép của Sở Giao thông Vận tải hoặc cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị xem xét xử phạt hành chính theo Điều 12, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đối với “hành vi chiếm dụng hè phố làm nơi trông giữ xe ô tô”, mức phạt sẽ từ 10-15 triệu đồng, khôi phục nguyên trạng. Ngoài ra, nếu vụ việc được giải quyết bằng cách thức tố tụng, chủ thể này có thể bị xem xét trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại đối với các tài sản bị hư hỏng do hành vi trông giữ trái phép.

Thứ ba, đối với trách nhiệm của chính quyền địa phương, lực lượng công an địa phương đối với việc để các bãi trông giữ xe không phép. Theo quy định tại văn bản 1786/UBND-KT ngày 24/4/2018 của UBND thành phố Hà Nội, thì khi phát hiện, Chủ tịch UBND quận/huyện phải chỉ đạo kiên quyết giải tỏa ngay, nếu tiếp tục tồn tại phải xử lý nghiêm chủ tịch UBND phường/xã nơi có bãi trông giữ phương tiện không phép. Ngoài ra, Trưởng công an quận/huyện phải xử lý nghiêm Trưởng công an phường/xã nơi xảy ra vi phạm pháp luật về trông giữ xe.

Thứ tư, trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thầu đối với sự việc sập đổ bờ tường gây thiệt hại về tài sản của người dân cụ thể là làm hư hỏng, giảm giá trị của 13 xe ô tô.

Điều 605 Bộ Luật dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Nhà thầu thi công có lỗi trong việc để công trình xây dựng gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”. Như vậy rất có thể chủ đầu tư, nhà thầu sẽ phải đối mặt với vụ kiện do các công ty bảo hiểm khởi xướng. Và có căn cứ để xác định các công trình xây dựng không đảm bảo các tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam, chủ đầu tư, nhà thầu công trình xây dựng bờ tường này sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng nêu quan điểm, việc trước mắt là cần bảo vệ tốt hiện trường để phục vụ cho công tác giám định công trình, giám định thiệt hại đảm bảo cho công tác bồi thường tuân thủ đúng pháp luật hiện hành./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực