Đau lòng hơn, chị N. đang mang thai khoảng 4 tháng tuổi và dự kiến ngày 8/11 (tức 4/10 âm lịch) sẽ tổ chức ăn hỏi với anh Đ.
Mặc dù cho biết việc đúng sai, vi phạm và lỗi thế nào cần chờ kết luận cuối cùng của cơ quan công an, tuy nhiên, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên thừa nhận, trước kia việc dùng ống cống chặn đường là để kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào khu công nghiệp nhằm phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Hiện các ống cống trong khu công nghiệp vẫn được giữ lại để dự phòng phương án phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, sau khi gỡ chốt kiểm soát nhưng nhận thấy đoạn đường chưa thi công xong nên Ban ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cũng có văn bản gửi các doanh nghiệp yêu cầu thông báo cho người lao động chỉ được ra, vào bằng cổng chính, đóng lại các cổng phụ để đảm bảo an ninh trật tự.
|
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm khiến 2 người đi xe máy tử vong xảy ra tại khu công nghiệp Điềm Thụy, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên ngày 01/11/2021 (Ảnh: Thu Thủy) |
Vụ việc đau lòng khiến nhiều người đặt câu hỏi: "Phải làm rõ vì sao đặt chướng ngại vật ra giữa đường mà không hề có báo hiệu cho người tham gia giao thông biết, dù đó là để chống dịch COVID-19 hay gì cũng vậy. Đường là để đi chứ đâu phải để đem ống cống chắn ngang như vậy? Nếu để phong tỏa thì phải có cảnh báo, đèn chiếu sáng, người điều tiết giao thông...".
Cũng có ý kiến cho rằng do 2 nạn nhân phóng quá tốc độ, đi sai làn, tuy nhiên theo nhận định thì màu của ống cống và mặt đường có sự tương đồng, chỉ mất tập trung một chút là không phản ứng kịp, cho nên đèn có sáng cũng rất khó quan sát. Cụ thể, theo quy định tất cả hàng rào hay vật che chắn có chủ đích, cố định hay tạm thời đều phải được sơn phản quang hoặc màu sắc (có gam nóng) để dễ nhận biết. Ở đây lực lượng chức năng sử dụng ống cống làm hàng rào chắn nhưng lại không có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nhận biết nào là sai.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật gia Trần Thị Oanh, Công ty Luật TNHH Trường Sơn cho rằng do sự việc đang trong quá trình điều tra, các thông tin hiện có cũng chưa đầy đủ nên chưa thể kết luận rõ đúng/sai thuộc về phía người điều khiển phương tiện hay do đơn vị thi công.
Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng có thông tin, hình ảnh để nhận định đoạn đường đó cho phép lưu thông, thì đủ căn cứ khởi tố đơn vị tạo lập chướng ngại vật. Bởi vì sau gỡ chốt đơn vị tạo lập phải trả lại lòng đường, khôi phục nguyên trạng hạ tầng cho người tham gia giao thông.
Việc không chuyển hết vật cản đi, vô hình trung gây ra vụ tai nạn ngoài ý muốn là hành vi không phù hợp với quy định của pháp luật, gây cản trở giao thông.
Nếu có đủ căn cứ, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ và xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Cụ thể, Điều 261, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội cản trở giao thông đường bộ như sau: Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Đáng chú ý, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ tốc độ di chuyển và khả năng quan sát của người điều khiển xe máy xem người này có lỗi hay không. Nếu kết quả xác minh cho thấy lái xe máy đi quá tốc độ, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến đâm phải cống bê tông khiến người ngồi sau tử vong thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người điều khiển phương tiện còn sống.
“Về nguyên tắc, bất cứ người nào có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình tham gia giao thông đường bộ đều có thể bị xem xét xử lý hình sự”, Luật gia Trần Thị Oanh nhấn mạnh.
Việc Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên đình chỉ công tác 2 cán bộ bảo vệ để khắc phục hậu quả cũng như phối hợp điều tra là hoàn toàn phù hợp.
Qua đây, các địa phương cần khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ bảo vệ và quản lý hạ tầng khu công nghiệp, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn trong lưu thông người và phương tiện ra, vào khu công nghiệp, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan nếu để xảy ra tình huống tương tự./.