Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo Luật Đất đai 2024

Thứ hai, 18/03/2024 22:42
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Luật Đất đai năm 2024 sẽ tạo điều kiện sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn để ngành nông nghiệp ngày càng phát triển, nông dân ngày càng giàu có và bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, sẽ tác động tích cực đến cả nền kinh tế và thị trường bất động sản trong quá trình đô thị hóa và phát triển các khu dân cư nông thôn, làm tăng nhu cầu tạo lập nhà ở của người dân nông thôn, nhất là các nông dân tỷ phú.
Luật Đất đai năm 2024 sẽ tạo điều kiện sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn để ngành nông nghiệp ngày càng phát triển. (Ảnh minh họa) 

Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025. Nhiều bạn đọc quan tâm gửi câu hỏi liên quan đến những điểm mới, nổi bật, quan trọng của Luật Đất đai năm 2024.

* Bạn Hoàng Xuân Hải (Nam Định) hỏi: Việc mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân trong Luật Đất đai 2024 được quy định như thế nào? Và điều này có tác động như thế nào đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp nước ta?

Trả lời câu hỏi này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Luật Đất đai năm 2024 cho phép mở rộng “hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất” tại khoản 1 Điều 177 và các quy định về “tập trung đất nông nghiệp”, “tích tụ đất nông nghiệp” tại Điều 177, Điều 192 tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 phát triển 1 triệu héc-ta đất chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải ròng bằng 0 tại đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học, công nghệ, phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa, quá trình chuyển dịch lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Luật Đất đai năm 2024 sẽ tạo điều kiện sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn để cho ngành nông nghiệp ngày càng phát triển, nông dân ngày càng giàu có và bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, sẽ tác động tích cực đến cả nền kinh tế và thị trường bất động sản trong quá trình đô thị hóa và phát triển các khu dân cư nông thôn, làm tăng nhu cầu tạo lập nhà ở của người dân nông thôn, nhất là các nông dân tỷ phú.

* Bạn đọc Nguyễn Thị Thu (Hà Nội) hỏi: Luật Đất đai năm 2024 có quy định những trường hợp nào Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và những quy định về công tác “bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất?

Trả lời câu hỏi này, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Tại Điều 79 Luật Đất đai năm 2024 quy định cụ thể 31 trường hợp Nhà nước “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” và tại khoản 32 Điều 79 còn quy định “32. Trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất của Điều này” đảm bảo được tính công khai, minh bạch, dễ giám sát và khắc phục được tình trạng có một số trường hợp địa phương thu hồi đất tràn lan như đã xảy ra trước đây.

Đồng thời, Chương VII Luật Đất đai năm 2024 đã quy định chặt chẽ về công tác “bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi. Đặc biệt, Điều 91 đã xác định các nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó có nguyên tắc “khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất thu hồi” và “việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư phải được hoàn thành trước khi có quyết định thu hồi đất”.

* Bạn Nguyễn Thu Hồng (Nam Định) hỏi: Mặc dù hiện đang công tác tại Hà Nội, không trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại quê hương. Vậy, theo Luật Đất đai 2024, tôi có được nhận chuyển nhượng hoặc tặng diện tích đất trồng lúa?

Luật sư Đặng Văn Cường , Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Liên quan đến câu hỏi trên, Luật sư Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Hiện nay, theo khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Tuy nhiên, tại khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 không còn quy định trường hợp này. Theo đó, từ ngày 01/01/2025, người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa.

Trường hợp người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức (trên 03 ha đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; trên 02 ha đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác) phải: Thành lập tổ chức kinh tế; có phương án sử dụng đất trồng lúa được UBND cấp huyện phê duyệt./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực