Do tính chất phức tạp nên đối tượng và hồ sơ vụ việc đã được chuyển đến Phòng Cảnh sát hình sự PC02 Công an tỉnh Thái Nguyên.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, với vai trò là Giám đốc đại lý, Đỗ Anh Phong đã đại diện cho bên bán xe có mã số thuế cùng thỏa thuận về số tiền đặt cọc, giá bán và các điều khoản khuyến mại đi kèm.
Với chiêu thức hợp đồng có chữ ký và đóng dấu chức danh Giám đốc khiến nhiều khách hàng tin tưởng, tuy nhiên thay vì chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng được quản lý bởi đại lý Honda ô tô Thái Nguyên, đối tượng đã ghi và hướng dẫn khách hàng chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản cá nhân của mình.
Do vậy, đã có hàng chục khách hàng gửi tiền đặt cọc, thậm chí thanh toán trước toàn bộ tiền (lên tới hàng tỷ đồng) vào tài khoản cá nhân của Đỗ Anh Phong và một số nhân viên Đại lý. Đến khi khách hàng bị từ chối giao xe vì chưa nhận được tiền mua xe thì sự việc mới vỡ lở. Sau nhiều lần đề nghị trả lại tiền nhưng không thành công, buộc khách hàng phải tố cáo đến cơ quan công an.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng PC02 Công an tỉnh Thái Nguyên thụ lý, giải quyết đơn tố giác tội phạm của các khách hàng là đúng thẩm quyền điều tra do vụ án này có tính chất phức tạp liên quan đến nhiều người, nhiều địa bàn khác nhau.
Về hành vi chiếm đoạt tài sản của đối tượng Đỗ Anh Phong, Luật sư Tạ Anh Tuấn nêu quan điểm, các tội phạm về sở hữu hiện nay xuất hiện khá phổ biến, xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội kéo theo sự gia tăng của các tội phạm về sở hữu như trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản… và pháp luật quy định những hình phạt thích đáng cho những người thực hiện các hành vi nêu trên.
|
Đại lý Honda ô tô Thái Nguyên nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh: Báo Thái Nguyên) |
Kết quả điều tra ban đầu xác định Giám đốc đại lý Honda ô tô Thái Nguyên đã có thủ đoạn gian dối xác lập hợp đồng đặt cọc mua xe với khách hàng có chữ ký, đóng dấu của bên nhận đặt cọc (bên bán) và chữ ký, xác nhận của bên đặt cọc (bên mua), nhưng trong hợp đồng lại ghi tài khoản nhận cọc của cá nhân Giám đốc đại lý, không phải tài khoản của pháp nhân, chiếm đoạt tiền đặt cọc của khách hàng, thỏa mãn dấu hiệu của tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50-200 triệu đồng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Còn nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên sẽ bị xem xét mức hình phạt tối đa tù chung thân
Hình phạt bổ sung với người phạm tội là phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ở một diễn biến khác, đại diện Honda ô tô Thái Nguyên cho rằng doanh nghiệp đã quy định rõ, việc ký hợp đồng đặt cọc hoặc mua xe bằng tiền mặt phải có hóa đơn; nếu chuyển khoản thì phải gửi vào tài khoản của Công ty mới hợp lệ. Quy trình quản lý, tư vấn bán hàng của đơn vị hết sức chặt chẽ. Việc sai phạm nêu trên xuất phát từ sự cố ý trục lợi cá nhân, đơn vị không thể kiểm soát được. Ngay sau khi có đơn tố cáo của khách hàng, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và Giám đốc Đỗ Anh Phong đã bị bắt tạm giam từ ngày 27/8/2021.
Qua đây, Luật sư Tạ Anh Tuấn cũng khuyến cáo người dân luôn luôn đề cao ý thức cảnh giác trong các giao dịch tương tự, kiểm tra kỹ các đầu mối thông tin cũng như uy tín của các cá nhân có liên quan, tránh phát sinh các vấn đề pháp lý phức tạp sau này.
Cùng với việc rà soát lại cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ với cán bộ, nhân viên, Honda ô tô Thái Nguyên cũng cần phải có trách nhiệm và giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng cũng như bảo vệ uy tín của chính doanh nghiệp./.