Hành vi tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức có thể bị phạt tù tới 12 năm​

Chủ nhật, 31/10/2021 09:07
(ĐCSVN) - Các vụ việc hacker tấn công, xâm nhập vào tài khoản, fanpage của một số cơ quan, tổ chức gây nguy cơ mất an toàn an ninh trên không gian mạng; tùy tính chất mức độ vi phạm đối tượng có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.​

Mới đây, trang Fanpage chính thức của Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bị kẻ xấu tấn công, xâm nhập thực hiện đổi tên thành “lươn tỉnh Vĩnh Phúc”.

Trước đó, đã có nhiều vụ việc hacker tấn công, xâm nhập vào tài khoản, fanpage của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, điển hình như các vụ hacker tấn công mạng Báo điện tử VOV, Báo điện tử Thanh niên, Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh… Tình trạng trên đã khiến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân lo lắng trước nguy cơ mất an toàn an ninh trên không gian mạng.

Đối với vụ việc ở Vĩnh Phúc, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ngăn chặn kịp thời, chưa để xảy ra việc kẻ xấu lợi dụng, tấn công, đổi tên trang Fanpage Công an tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện được ý đồ xấu, nhưng đã ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng Công an tỉnh Vĩnh Phúc.

Thời điểm hiện tại, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã xác định được tên, tuổi, địa chỉ của nghi can và đang phối hợp với các Cục nghiệp vụ Bộ Công an và các đơn vị liên quan điều tra, xác minh xử lý vụ việc và đối tượng theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel

Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

(Ảnh: Kim Chiến) 

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Khương Tân Phương, Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Hành vi của đối tượng xâm nhập trái phép vào trang thông tin của Công an tỉnh Vĩnh Phúc, sửa đổi nội dung, chiếm quyền điều khiển được xác định là hành vi tấn công mạng. Việc tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bị nghiêm cấm, là hành vi vi phạm pháp luật, tùy tính chất mức độ vi phạm, đối tượng có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khoản 8 điều 2 Luật An toàn thông tin mạng năm 2018 giải thích khái niệm "Tấn công mạng" là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử; còn khoản 7 điều 2 luật này giải thích khái niệm "Tội phạm mạng" là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để thực hiện tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử là hành vi nghiêm cấm và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định tại khoản 2, điều 8 và điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018.

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng

2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Điều 9. Xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng

Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, hành vi xâm nhập, sửa đổi nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 30 tới 50 triệu đồng theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 80 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03/02/2020. Mức phạt trên áp dụng đối với đối tượng là tổ chức, mức phạt đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt với tổ chức theo quy định khoản 3 điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

“Đối với vụ việc xâm nhập đổi tên Fanpage Công an tỉnh Vĩnh Phúc, cơ quan chức năng sẽ làm rõ danh tính, động cơ, mục đích của hacker tấn công Fanpage và đánh giá hậu quả xảy ra để có hình thức xử lý. Trường hợp có căn cứ xác định hành vi tấn công mạng đã làm gián đoạn hoạt động của Công an tỉnh, nguy cơ đe dọa đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan này thì đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 287, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội “Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử” có khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù giam, thấp nhất là 6 tháng tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn bị xử phạt 30 – 200 triệu đồng và cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm” – Luật sư Khương Tân Phương nói.

Để hạn chế thấp nhất việc bị hacker tấn công, cùng quan điểm với Luật sư Khương Tân Phương, một số chuyên gia pháp lý khác cũng cho rằng, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần tăng cường công tác bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin. Xây dựng các quy trình, hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình khai thác, vận hành các trang thiết bị hệ thống công nghệ thông tin.

Đồng thời thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng bảo mật an toàn thông tin trên không gian mạng cho toàn bộ cán bộ, nhân viên và đội ngũ nhân sự về công nghệ thông tin trong cơ quan, đơn vị../.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực