|
2 đối tượng tại Cơ quan điều tra. Ảnh thuongtruong.com.vn |
Theo đó, ngày 9/9/2021, trong lúc làm nhiệm vụ tại khu vực Cầu Kinh, phường 27, quận Bình Thạnh, tổ Kiểm soát quân sự thuộc Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 31, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh phát hiện một đối tượng mặc quân phục, gắn quân hàm Đại úy, chạy xe gắn máy lưu thông qua chốt kiểm soát dịch bệnh, có biểu hiện khả nghi. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, đối tượng không xuất trình được giấy tờ hợp lệ. Tổ Kiểm soát quân sự đã tiến hành lập biên bản, đưa về đơn vị xác minh, làm rõ. Qua đấu tranh, đối tượng khai tên Trần Vũ Hàn Minh Nhật, sinh năm 1987, đăng ký thường trú tại 59/7, đường số 5, khu phố 5, phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức; tạm trú tại 129F/138/68, Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP Hồ Chí Minh.
Về hành vi giả mạo sĩ quan Quân đội, đối tượng khai: Ngày 3/9/2021, đối tượng được “thủ trưởng” của mình là “Trung tướng” Võ Thành Phúc cấp cho 1 bộ quân phục, cấp bậc Đại úy, sử dụng nhằm lưu thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh, vận chuyển thuốc kháng thể LV119 (dạng bột) cho các bệnh nhân F0. Tối 9/9, khi đối tượng Nhật vận chuyển thuốc lưu thông qua chốt kiểm soát tại khu vực Cầu Kinh thì bị lực lượng Kiểm soát quân sự phát hiện, bắt giữ.
Từ lời khai của đối tượng Trần Vũ Hàn Minh Nhật, các cơ quan chức năng đã triệu tập đối tượng Võ Thành Phúc, sinh năm 1969, thường trú tại 223/3 Phạm Hữu Lầu, phường Phú Mỹ, quận 7, TP Hồ Chí Minh lên làm việc. Tại cơ quan điều tra, đối tượng Phúc tự nhận mình là “Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam”, công tác tại “Cục Trinh sát Đặc biệt phụ trách về sinh học”. Sau quá trình đấu tranh, biết không thể quanh co chối cãi, đối tượng khai nhận, bản thân không phải là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, không phải là cựu chiến binh.
Cơ quan chức năng đã dẫn giải đối tượng về nhà riêng. Tại đây, đối tượng Võ Thành Phúc đã giao nộp 2 bộ quân phục, quân hàm cấp tướng, huân, huy chương các loại. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Võ Thành Phúc là Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu đầu tư và chăn nuôi Đồng Xoài, địa chỉ tại 29/8B đường Hoàng Quốc Việt, phường Phú Thuận, quận 7. Đối tượng đã ký vào biên bản, thừa nhận hành vi giả mạo sĩ quan cao cấp của Quân đội.
Thông tin từ Đoàn An ninh 2 cho biết: Hành vi giả mạo cán bộ cấp cao của Quân đội của đối tượng Võ Thành Phúc đã được đơn vị nắm bắt thông tin, theo dõi từ đầu năm 2020. Theo đó, đối tượng Phúc đã nhiều lần mặc quân phục với cấp hàm Thiếu tướng, Trung tướng, xuất hiện tại một số hoạt động do Ban liên lạc Cựu chiến binh và các hoạt động xã hội ở một số đơn vị, địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tại các sự kiện này, đối tượng thường mặc quân phục cấp tướng, chụp ảnh chung với một số đại biểu, khách hàng. Đối tượng đã khéo léo ngụy trang để qua mặt nhiều người. Trong lúc Đoàn 2 An ninh đang củng cố hồ sơ, chứng cứ để tiến hành đấu tranh thì đối tượng Phúc sa lưới pháp luật từ vụ việc nêu trên.
Hiện cả hai đối tượng nói trên đã được bàn giao cho Công an quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Cùng với hành vi giả mạo sĩ quan Quân đội; hoạt động sản xuất, lưu hành, tiêu thụ thuốc kháng thể điều trị COVID-19 và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do đối tượng Phúc quản lý, cũng sẽ được cơ quan chức năng mở rộng điều tra.
Như vậy, hành vi của nhóm đối tượng này đối mặt hình phạt nào? Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng hành vi của 2 bị can có thể nhận hình phạt 2 năm tù. Tuy nhiên, nếu có căn cứ xác định họ giả mạo để lừa đảo thì Phúc và Nhật sẽ bị điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Thắng nhận định hành vi của hai bị can có dấu hiệu rõ ràng của tội Giả mạo chức vụ, cấp bậc, theo quy định tại Điều 399 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc Phúc và Nhật mua, sử dụng trang phục giả mạo quân nhân nhằm ra oai, phục vụ cho nhu cầu cá nhân và di chuyển trong thời gian cách ly xã hội. Như vậy, trích dẫn Điều 399, người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp cơ quan điều tra phát hiện cả hai có dấu hiệu giả mạo chức vụ để lừa đảo thì Phúc và Nhật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017.
Đối với trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 mà chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; trường hợp gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hoặc trong trường hợp tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì người chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng bằng thủ đoạn gian dối sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trường hợp người phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, trường hợp tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc người phạm tội có hành vi tái phạm nguy hiểm, có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt dể giả mạo công an nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để giả mạo quân đội, công an nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Trường hợp người phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để giả mạo quân đội, công an nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người giả mạo quân đội, công an nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, đối với hành vi giả mạo lực lượng công an, quân đội để chiếm đoạt tài sản thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm trong từng trường hợp, người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 20 năm hoặc cao nhất là hình phạt tù chung thân./.