Hình phạt nào cho nữ Đại tá công an dởm lừa đảo hàng chục tỷ?

Thứ bảy, 30/10/2021 15:47
(ĐCSVN) - Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, vừa khởi tố bị can và thực hiện lệnh tạm giam đối với Mai Thị Lan (SN 1977, trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ điều tra, bà Lan tự nhận là Đại tá Công an Nhân dân còn chồng là nhà báo, quen biết lãnh đạo cấp cao, có khả năng xin việc. Để thực hiện hành vi lừa đảo, bị can đặt làm giả 3 cuốn sổ tiết kiệm, mỗi cuốn trị giá 200 tỷ đồng nhằm thuyết phục người khác hùn vốn làm ăn chung. Bị can đã lừa được vợ chồng anh P.Q.V. (ở phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) gần một tỷ đồng và 3 người khác số tiền hơn 4 tỷ.

Cảnh sát đã làm rõ được số tiền hơn 12 tỷ đồng mà bị can nhận từ 7 bị hại có mong muốn xin việc. Số tiền trên, bị can thừa nhận đã tiêu xài, mua sắm phục vụ bản thân. Bằng thủ đoạn này, bà Lan đã chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng của nhiều nạn nhân.

leftcenterrightdel

Đối tượng Lan tự chụp ảnh mặc sắc phục Đại tá Công an đăng trên mạng xã hội 

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Lê Thị Thu Nga, Công ty Luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho biết thời gian gần đây, các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan các mối quan hệ trên mạng xã hội xảy ra càng nhiều.

Đối với vụ án trên, có thể thấy thủ đoạn của bị can rất tinh vi khi tạo niềm tin và đưa ra những thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của nhiều nạn nhân. Với diễn biến như cơ quan chức năng thông tin cho báo chí, bà Lan sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người nào dùng thủ đoạn gian dối (đưa ra những thông tin bịa đặt, giả mạo, không có thật làm cho người khác tin tưởng để giao tài sản) rồi chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 500 triệu đồng trở lên sẽ đối mặt với khung hình phạt cao nhất là 12 đến 20 năm tù giam hoặc tù chung thân.

Trường hợp vay tiền bằng quan hệ dân sự, hoàn toàn không có yếu tố gian dối, nhưng sau khi nhận được tiền thì gian dối để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ với mục đích chiếm đoạt số tiền từ 4 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Nếu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên, người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là 12-20 năm tù giam.

Theo Luật gia Lê Thị Thu Nga, cần phân biệt, nếu gian dối trước khi nhận tiền thì đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn trường hợp gian dối sau khi nhận tiền thì đó là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đối với hành vi giả mạo Đại tá công an Nhân dân và tự nhận có quan hệ thân thiết với lãnh đạo cấp cao, cơ quan tố tụng sẽ chỉ coi đây là một thủ đoạn để thực hiện hành vi lừa đảo.

Chỉ trong trường hợp người giả mạo chức vụ, cấp bậc không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 339 Bộ luật Hình sự về tội Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác với khung hình hình phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực