Hợp đồng lao động vô hiệu và cách xử lý

Thứ bảy, 17/07/2021 21:55
(ĐCSVN) – Trước câu hỏi của bạn Nguyễn Văn Dũng, địa chỉ mail: vandung79xx@gmail.com liên quan đến nội dung hợp đồng lao động vô hiệu và cách xử lý, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư để phân tích, giải đáp.
(Ảnh minh họa: hiephoidoanhnghiep.vn). 

Theo Luật sư Đặng Đình Tiến, đoàn Luật sư TP Hà Nội, liên quan đến nội dung câu hỏi của bạn Nguyễn Văn Dũng thì cần lưu ý đến một số nội dung liên quan như: Các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu; Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu.

 Theo Luật sư Đặng Đình Tiến, các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu được quy định cụ thể tại Điều 49, Mục 4, Chương III, Bộ luật Lao động số: 45/2019/QH14, ngày 20 tháng 11 năm 2019. Cụ thể: Điều 49 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động có thể vô hiệu từng phần hoặc toàn bộ.

 - Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:

 + Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;

 + Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực trong giao kết hợp đồng lao động.

 + Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.

 - Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

 Trong khi đó, về nội dung liên quan đến thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, theo Luật sư Đặng Đình Tiến, được quy định rõ rang tại Tại khoản 1 Điều 33, điểm v khoản 2 Điều 39  Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Theo đó: Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

 Tại khoản 1 Điều 33, điểm v khoản 2 Điều 39  Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

 "Điều 33. Những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

 1. Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.

 ...

Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

 ...2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

 ...v) Tòa án nơi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể đó vô hiệu;…".

 Đáng chú ý, theo Luật sư Đặng Đình Tiến, để thực hiện xử lý hợp đồng lao động vô hiệu cần phân biệt rõ ràng loại hợp đồng, trong đó có đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần Điều 9, Mục 3, Chương III, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động) hoặc hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ (Điều 10, Điều 11, Mục 3, Chương III, Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

 “Như vậy, trên cơ sở nội dung liên quan nêu trên, bạn Nguyễn Văn Dũng có thể đối chiếu để xem trường hợp mình thuộc nội dung nào để có hướng thực hiện,giải quyết. Trên đây là nội dung mà bạn có thể tham khảo, tìm hiểu; trường hợp cần hướng dẫn, hỗ trợ, bạn có thể liên hệ cơ quan chuyên môn thuộc lĩnh vực bạn quan tâm để được giải quyết, qua đó bảo đảm quyền lợi của bản thân theo quy định của pháp luật” – Luật sư Đặng Đình Tiến phân tích thêm./.

TQ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực