Liên quan đến những nội dung câu hỏi của anh Võ Đức Hoàng, theo Luật sư Hoàng Dương, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, rất nhiều trường hợp người dân bị xử phạt khi tham gia giao thông, đặc biệt là không tuân thủ quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người có thẩm quyền áp dụng sai quy định trong xử phạt. Như vậy, việc người vi phạm khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình là hoàn toàn chính đáng.
|
(Ảnh minh họa của: csgt.vn). |
Trường hợp anh Võ Đức Hoàng khi thực hiện thủ tục khiếu nại là quyền lợi đã được quy định tại khoản 1, Điều 15, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012:
“Điều 15. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong xử lý vi phạm hành chính
1. Cá nhân, tổ chức bị xử lý vi phạm hành chính có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”.
Nếu anh Võ Đức Hoàng thấy Cảnh sát giao thông áp dụng sai quy định về xử phạt hành chính, anh có quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt đó. Việc khiếu nại có thể đúng hoặc không đúng. Nếu việc khiếu nại không thành công thì người vi phạm cũng không bị xử phạt thêm về lỗi nào khác.
Trường hợp công dân khiếu nại đối với quyết định xử phạt hành chính thì vẫn phải thi hành thi hành quyết định nộp phạt trước, nội dung này, theo Luật sư Hoàng Dương được quy định rất rõ tại khoản 1, Điều 73, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012. Cụ thể:
"Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật".