Không chấp hành yêu cầu xét nghiệm COVID-19 sẽ bị xử lý như thế nào?

Thứ ba, 05/10/2021 23:16
(ĐCSVN) - Bạn đọc Phạm Lan, tại địa chỉ huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương hỏi: Tại nhiều địa phương đã tiến hành việc xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trên diện rộng nhằm ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh. Vậy người có hành vi không chấp hành yêu cầu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. 

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội có ý kiến như sau: Theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 (Số: 03/2007/QH12, ngày 21/11/2007) việc “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” bị xem là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Vì vậy, người thực hiện hành vi trên, tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Đối với xử lý vi phạm hành chính: Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7 Nghị định 117/2020 (Số: 117/2020/NĐ-CP, ngày 28/9/20020) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế. Việc tham gia xét nghiệm sàng lọc COVID-19 được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, người có hành vi không chấp hành yêu cầu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Cụ thể như sau:

Điều 7. Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm.

 

Đối với xử lý hình sự: Theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (Số: 01/VBHN-VPQH, ngày 10/7/2017). Người có hành vi không chấp hành xét nghiệm sàng lọc COVID-19 theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, nếu người đó bị nhiễm bệnh và làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” với mức hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Cụ thể quy định:

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực