Không trình báo sau khi gây tai nạn giao thông bị xử lý thế nào?

Thứ sáu, 16/06/2023 16:51
(ĐCSVN) - Theo luật sư, người gây tai nạn giao thông phải lựa chọn: Ở lại hiện trường, đến cơ sở y tế hoặc đến cơ quan công an khai báo, trình báo. Nếu không, hoàn toàn có thể bị quy kết là bỏ trốn.

Vào khoảng 19h30 ngày 9/6/2023, tại Km86+250, quốc lộ 18A, thuộc phường Nam Khê, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô BKS 14A-025.xx do ông Lương Tiến Đ., (SN 1986, trú tại tổ 10, khu Nam Trung, phường Nam Khê, thành phố Uông Bí) với xe đạp điện do ông Đỗ Văn Tr. (SN 1963, trú tại tổ 10, khu Nam Trung, phường Nam Khê, thành phố Uông Bí) điều khiển, và một chiếc xe máy đi cùng chiều. Hậu quả ông Tr. tử vong, còn người đi xe máy bị thương và được đưa đi cấp cứu.

Khai với cơ quan công an, sau khi gây tai nạn, do hoảng loạn và lo sợ nên ông Đ. đã điều khiển xe rời khỏi hiện trường nhưng được sự động viên của gia đình và người thân đã đến cơ quan Công an trình diện. Đáng nói, người gây tai nạn và nạn nhân có quan hệ họ hàng.

Theo ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí, người gây ra vụ tai nạn giao thông là một cán bộ thuộc sự quản lý của UBND thành phố Uông Bí. "Ngày xảy ra tai nạn, trên địa bàn phường triển khai thi công một dự án, do đó, ông Đ. và các cán bộ khác đều tập trung xử lý công việc tới tối muộn", ông Đạt cho biết.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông khiến 1 người tử vong tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Đức Trọng) 
 Công an thành phố Uông Bí đang tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng này.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết Khoản 17 Điều 8 Chương I Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Luật số 23/2008/QH12, ngày 13 tháng 11 năm 2008) nghiêm cấm hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm.

Cùng với đó, Điểm b Khoản 1 Điều 38 Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Cơ quan công an sẽ củng cố hồ sơ vụ việc (thực địa hiện trường, khám nghiệm phương tiện, kiểm tra lý lịch tài xế, tình trạng sức khỏe…), sau đó sẽ ra quyết định hình thức, mức độ xử lý tương ứng.

Theo Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Số: 100/2019/NĐ-CP, ngày 30 tháng 12 năm 2019), sửa đổi bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, quy định đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn (Điểm b Khoản 8), và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 tháng đến 7 tháng (Điểm đ Khoản 11).

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc, tới mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì người gây tai nạn phải đối diện với hình phạt quy định tại Điều 260 Mục 1 Chương XXI Phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015) sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Cụ thể, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (quy định tại Điểm a Khoản 1).

Nếu gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì bị phạt tù từ 03 - 10 năm (quy định tại Điểm c Khoản 2).

Theo luật sư Kỹ, thực tế cho thấy trong nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông, lợi dụng hiện trường lộn xộn, người gặp nạn mất khả năng kiểm soát hoặc tuyến đường vắng người qua lại, người gây tai nạn đã bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Do đó, Điều 585 Mục 1 Chương XX, Điều 590 Mục 2 Chương XX và Điều 601 Mục 3 Chương XX Bộ luật Dân sự 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015) quy định người điều khiển xe gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người bị tai nạn.

Ngoài ra, ông Đ. còn có thể bị xem xét xử lý kỷ luật theo Điều 7 Mục 2 Chương II Nghị định 112/2020/NĐ-CP, ngày 18 tháng 9 năm 2020, áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với các hình thức Khiển trách; Cảnh cáo; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.

Đồng thời, xem xét xử lý theo Quy định 69-QĐ/TW ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

“Có thể nói, những mức phạt mang tính răn đe đã được thực thi nhằm hạn chế tối đa hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại. Ngoài ra, để tránh những rủi ro, thiệt hại trong quá trình tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ, làm chủ tốc độ lái và tập trung quan sát, xử lý các tình huống bất ngờ. Quan trọng nhất là có trách nhiệm với các hậu quả mà hành vi tham gia giao thông của mình gây ra”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực