Khung hình phạt về hành vi “Làm giả tài khoản ngân hàng”?

Thứ năm, 21/04/2022 16:12
(ĐCSVN) - Một nhóm đối tượng đã làm giả giấy tờ tùy thân của người dân sau đó tới ngân hàng thay đổi số điện thoại, lấy mã OTP nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Theo cơ quan công an, bước đầu xác định nhóm của Nga đã làm giả tài khoản cá nhân của hơn 10 bị hại chiếm đoạt số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Ngày 20/4, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS), Bộ Công an đã khởi tố 6 đối tượng Lê Thị Phi Nga (SN 1971, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Ngô Thị Ngọc Lan (SN 1994, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội), Nguyễn Trung Kiên (SN 1981, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội), Trần Quốc Cường (SN 1995, trú tại tỉnh Thái Bình, Trần Thùy Anh (SN 1993, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Lê Thị Liên Hương (SN 1972, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông chiếm đoạt tài sản”.

Đối tượng Lê Thị Phi Nga tại cơ quan điều tra. (Nguồn: tienphong.vn).

Trong số các đối tượng bị khởi tố, Lê Thị Phi Nga có 1 tiền án về tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức”, Ngô Thị Ngọc Lan đang bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đang được tại ngoại.

 Trước đó, Cục CSHS phát hiện ổ nhóm trên do Nga cầm đầu có hành vi thu thập thông tin cá nhân qua các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo… để làm giả CCCD, CMND. Sau đó, các đối tượng đến ngân hàng thay đổi số điện thoại để nhận mã OTP nhằm chuyển tiền trong tài khoản sang tài khoản khác.

 Quá trình điều tra, cơ quan điều tra bắt giữ nhóm đối tượng trên. Tạm giữ 800 triệu đồng, 19 điện thoại di động các loại, 23 CMND, CCCD (nghi làm giả), 5 sim điện thoại các loại, 3 thẻ ngân hàng, 2 mẫu dấu công ty, 2 bìa ghi số tài khoản ngân hàng, 1 quyển sổ dùng để tập ký các chữ ký khác nhau…

 Theo cơ quan công an, bước đầu xác định nhóm của Nga đã làm giả tài khoản cá nhân của hơn 10 bị hại chiếm đoạt số tiền hơn 17 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được Nga chia cho Thùy Anh, Cường mỗi người 2%, các đối tượng khác được chia đều số tiền còn lại.

 Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Dương, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc cơ quan chức năng khởi tố nhóm đối tượng với hành vi vi phạm pháp luật trên là hoàn toàn có cơ sở. Theo đó, căn cứ dựa trên khoản 4, điều 290, mục 2, chương XXI, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) thì với hành vi vi phạm nêu trên, nhóm đối tượng vi phạm có thể đối diện với mức phạt từ 12 đến 20 năm.

 Ngoài ra, khoản 5, điều 290, mục 2, chương XXI, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) cũng quy định, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 Trong khi đó, cũng tại điều 47, chương VII, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), cơ quan chức năng sẽ tiến hành thực hiện việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với: Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ,13 cấm lưu hành. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.

 “Trong số các đối tượng bị khởi tố, Lê Thị Phi Nga có 1 tiền án về tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức”, Ngô Thị Ngọc Lan đang bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đang được tại ngoại. Như vậy, căn cứ nội dung này, các đối tượng này có thể sẽ phải chịu mức xử lý tăng nặng. Thông qua vụ việc trên, công dân cần nắm vững thêm những khuyến cáo từ cơ quan chức năng đối với hành vi nghiêm cấm người dân mua bán tài khoản, thông tin cá nhân dưới mọi hình thức. Người dân cần cảnh giác, không để lộ lọt thông tin cá nhân khiến tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội. Nâng cao ý thức bảo mật khi sử dụng tài khoản ngân hàng. Cùng với đó, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, công dân cần trình báo thủ đoạn, đối tượng vi phạm (nếu có) để cơ quan chức năng kịp thời đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật, tránh rơi vào bẫy của kẻ xấu lừa đảo” – luật sư Hoàng Dương phân tích thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực