Kích động uống rượu bia có bị xử lý hình sự?

Thứ năm, 15/02/2024 16:19
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo luật sư, việc kích động, dụ dỗ, lôi kéo người khác sử dụng rượu bia, sau đó gây ồn ào, mất trật tự nơi đông người, thậm chí gây cản trở giao thông nghiêm trọng có thể bị xử phạt tù tới 7 năm.

Thói quen sử dụng rượu bia trong quan hệ đối ngoại, hay các sự kiện liên hoan, tập trung đông người đặc biệt là khi Tết đến xuân về đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội.

Vấn đề ở đây “nhậu” thế nào cho đủ vui, đủ gắn kết thì không phải ai cũng tự ý thức và điều chỉnh được bản thân khi cơ thể đã ngấm độ cồn. Đây cũng là nguyên nhân chính của hầu hết các hành vi vi phạm pháp luật, hoặc gây mất trật tự công cộng.

Nhiều bạn đọc muốn biết pháp luật hiện nay điều chỉnh hành vi kích động, dụ dỗ, lôi kéo người khác sử dụng rượu bia, sau đó gây ồn ào, mất trật tự nơi đông người… như thế nào; có thể bị xử lý hình sự hay không?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Chương I Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Số: 44/2019/QH14, ngày 14 tháng 6 năm 2019) thì rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.

Trong khi đó bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.

Ảnh minh họa, nguồn: tplaw.vn 

Đồng thời, Khoản 5 Điều 2 Chương I Luật này nêu rõ tác hại của rượu, bia là ảnh hưởng, tác động có hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác.

“Như vậy, có thể thấy việc sử dụng rượu bia phải có chừng mực, cần sự kiểm soát nhất định tùy theo lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, khu vực sinh sống…. nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như duy trì tốt trật tự an ninh, an toàn xã hội”, luật sư Tuấn khẳng định.

Thời gian qua, các quy định của pháp luật liên quan tới việc kiểm soát, điều chỉnh hành vi tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia đã được triển khai thực hiện thường xuyên, quyết liệt, nghiêm túc, được cộng đồng xã hội đánh giá cao. Theo báo cáo nhanh của Bộ Công an ngày 14/2, qua 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 29.099 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chủ yếu là điều khiển xe máy, ô tô), nộp Kho bạc Nhà nước 182,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số đối tượng đã có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của con người và gây mất trật tự an toàn giao thông.

Riêng với hành vi kích động, dụ dỗ, lôi kéo người khác sử dụng rượu bia, sau đó gây ồn ào, mất trật tự nơi đông người, ảnh hưởng giao thông công cộng, các mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 7 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP (Số: 144/2021/NĐ-CP, ngày 31 tháng 12 năm 2021) của Chính phủ, cụ thể:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các hành vi: Sử dụng rượu, bia, các chất kích thích gây mất trật tự công cộng; Tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng; Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi: Tổ chức thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng; mang theo trong người hoặc tàng trữ, cất giấu các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc các loại công cụ, phương tiện khác có khả năng sát thương; đồ vật, phương tiện giao thông nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác; lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với các hành vi: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương; quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm cấm, khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh…

“Một số trường hợp không chỉ dừng lại ở việc kích động, xúi giục, ép buộc người khác uống rượu bia, mà còn tự mình hoặc cùng người khác đồng thuận thực hiện hành vi gây ồn ào, mất trật tự an ninh nơi công cộng… thì lực lượng chức năng hoàn toàn có thể xem xét củng cố hồ sơ để xử lý hình sự nhằm đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật”, luật sư Tuấn phân tích.

Cụ thể, truy cứu trách nhiệm hình sự tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Mục 4 Chương XXI phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt như sau:

Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; tái phạm nguy hiểm.

Có thể nói, với một hành vi xuất phát từ thói quen, nhận thức, thì bên cạnh sự điều chỉnh thông qua tăng mức phạt, khung phạt cần phải có những biện pháp bổ sung để thay đổi thói quen ấy, trong đó việc tuyên truyền, giáo dục phải đặc biệt chú ý. Cộng đồng, gia đình, người thân cần kiên quyết ngăn thành viên đã sử dụng đồ uống có cồn điều khiển phương tiện giao thông. Trong nhà trường phổ thông, cần tăng các nội dung giáo dục về văn hóa giao thông…

"Chỉ khi người tham gia giao thông tự giác nhận thức được hành vi sai trái và có kiến thức, phương pháp để tự điều chỉnh được hành vi của mình và được cộng đồng cổ vũ, giúp đỡ thì một thói quen mới sẽ dần hình thành - không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông", luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực