Trước đó, ngày 14/10, Công an huyện Châu Thành phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Đồng Tháp bắt quả tang 4 đối tượng tại trung tâm đang nhận 900.000 đồng của các tài xế.
Các đối tượng bị bắt quả tang gồm: Nguyễn Thành Nguyễn (32 tuổi, Giám đốc trung tâm) và 3 nhân viên là: Trần Thị Ngọc Dung (53 tuổi), Lê Minh Nhí (27 tuổi) và Trần Thanh Nhã (49 tuổi).
|
Các bị can Nguyễn Thanh Nguyễn và Trần Lập Nghĩa (bên phải) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi nhận hối lộ. (Ảnh: Đức Thắng)
|
Qua làm việc, các đối tượng khai nhận đã thống nhất thu “phí phụ thu” từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng của chủ các phương tiện để bỏ qua lỗi và cấp giấy đăng kiểm đạt. Riêng trong ngày 14/10, nhóm này đã đăng kiểm 44 phương tiện, thu lợi bất chính 20,5 triệu đồng.
Theo ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp, trung tâm đăng kiểm 66-02D là đơn vị tư nhân được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận kiểm định. Về chuyên môn, nghiệp vụ đăng kiểm, trung tâm chịu sự quản lý, giám sát trực tiếp của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đình chỉ hoạt động 3 tháng với Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 66-02D từ ngày 19/10, đồng thời, đình chỉ tham gia hoạt động kiểm định trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 19/10 đối với các đăng kiểm viên nói trên.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Thế Hiển, Công ty TNHH luật Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho rằng quyết định của Cục Đăng kiểm Việt Nam là rất kịp thời, đáng hoan nghênh.
Trước năm 2019, hầu hết các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước, chỉ một số đơn vị được thí điểm đầu tư, hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Tuy nhiên, với việc gỡ bỏ quy định về phát triển trung tâm đăng kiểm theo quy hoạch vùng, địa phương, các doanh nghiệp và cá nhân bắt đầu ồ ạt đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo quy định tại Nghị định 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019), tổ chức đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định, nhân lực theo quy định tại nghị định này và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm do Bộ Giao thông Vận tải ban hành được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Như vậy, việc thành lập các đơn vị đăng kiểm chỉ quy định các điều kiện về cơ sở vật chất, dây chuyền, nhân lực, không hạn chế các tổ chức tham gia và số lượng thành lập mới.
"Điều này dễ dẫn đến các đơn vị đăng kiểm sẽ cạnh tranh không lành mạnh, bỏ qua các tiêu chuẩn kỹ thuật để giữ chân khách hàng nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia giao thông", luật gia Hiển khẳng định.
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến tháng 11/2021, tổng số ô tô đang lưu hành tại Việt Nam là 4,512 triệu chiếc, trong khi số trung tâm đăng kiểm còn hạn chế. Tính đến hết tháng 11/2020, số lượng các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới của cả nước là 232 đơn vị đăng kiểm. Trong đó, có 127 đơn vị đăng kiểm xã hội hóa được thành lập mới từ năm 2005. Tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 28 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới được cấp giấy chứng nhận và đi vào hoạt động.
Trở lại vụ việc tại trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 66-02D, căn cứ lời khai, xác minh cụ thể quãng thời gian thực hiện hành vi, số tiền thu lợi bất chính..., các đối tượng trên có thể bị xem xét xử lý theo quy định Khoản 2 Điều 354 Mục 1 Chương XXIII Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015) phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ và hoàn toàn có thể xem xét xử lý các chủ xe/người đi đăng kiểm về tội đưa hối lộ, quy định tại Khoản 1 Điều 364 Mục 2 Chương XXIII Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), cụ thể phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Qua vụ việc này, các đơn vị đăng kiểm trên cả nước (kể cả nhà nước và tư nhân, xã hội hóa) phải khẩn trương rà soát lại toàn bộ nhân sự cũng như quán triệt nghiêm cấm có các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ, như: Làm sai lệch kết quả kiểm định; Không tuân thủ đúng quy định tại các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định; Không công khai các thủ tục, quy trình kiểm định tại trụ sở đơn vị theo quy định; Không thực hiện kiểm định phương tiện theo đúng thẩm quyền được giao; Sử dụng đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ không có đủ điều kiện theo quy định...
“Mục đích quan trọng nhất của đăng kiểm là kiểm tra mức độ và ngưỡng an toàn của phương tiện vận tải (kỹ thuật và môi trường), giúp giảm tối đa rủi ro trong quá trình tham gia lưu thông, tất cả vì những chuyến xe bình yên”, luật gia Hiển nhấn mạnh./.