Trước đó 1 ngày, Đội Cảnh sát kinh tế - Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận Hà Đông phối hợp Công an phường Dương Nội tiến hành kiểm tra hành chính cơ sở kinh doanh karaoke Dũng Huyền (số 248 đường 423, tổ dân phố Trung Bình, Dương Nội), phát hiện tại phòng VIP 5 có 2 đôi nam nữ đang sử dụng bóng cười.
Chủ cơ sở là Nguyễn Bá Thắng (SN 1982, thường trú tại phường Dương Nội), khai nhận 6 bình nêu trên chứa khí N2O (3 bình đã bán hết, 3 bình còn khí đang bán), mua trôi nổi trên mạng.
Vậy hành vi mua bán và sử dụng bóng cười có vi phạm pháp luật? Bóng cười có thuộc danh mục những chất cấm không và được quy định cụ thể ra sao?
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Bóng cười thực chất là quả bóng bay được bơm loại khí có công thức hóa học N2O (Dinitơ monoxit hay nitrous oxide), không màu, không mùi, nhẹ hơn không khí. Khi người dùng hít vào thì hợp chất hóa học nói trên làm chậm thời gian phản ứng của cơ thể, khiến người này có cảm giác hưng phấn, vui vẻ.
|
Nhóm thanh niên bị phát hiện sử dụng "bóng cười" trong quán karaoke (Ảnh: An ninh Thủ đô)
|
Khí cười cũng có tác dụng gây mê, an thần, giảm đau và được các nha sĩ, bác sĩ sản khoa, bác sĩ thể thao sử dụng thường xuyên từ đầu thế kỷ 20. Ngoài ra, khí này còn được sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp để làm kem bông tươi, tăng năng suất động cơ xe.
Việc sử dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: Cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng, các rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12…, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng (nhất là sử dụng đồng thời với ma túy tổng hợp, chất hướng thần, như vụ việc xảy ra năm 2018 tại Công viên nước Hồ Tây, Hà Nội khiến 7 người chết).
Quy định hiện nay nêu rõ: N2O được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương, thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 9 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất).
Đáng chú ý, N2O vẫn chưa được xếp vào danh mục hóa chất cấm sử dụng và hạn chế phạm vi sử dụng ban hành trong Thông tư 47/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, cũng như không được xếp vào danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định 73/2018/NĐ-CP và Nghị định 60/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
“Như vậy, việc nhập khẩu, mua bán chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội… vẫn được thực hiện nhưng phải đảm bảo đúng những quy định chặt chẽ của pháp luật”, luật sư Tuấn khẳng định.
Về góc độ pháp lý, Điều 33 Chương II Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Hiện chưa có quy định cụ thể việc xử phạt hành vi sử dụng bóng cười, trong khi đó hành vi sản xuất, kinh doanh bóng cười thì được phép nhưng phải đi cùng Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất.
Các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh N2O được xử lý theo Nghị định 115/2016/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp).
Cụ thể, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 10 Chương 2 Nghị định 163/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 12 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh mà không có Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất theo quy định; Sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh khi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất được cấp đã hết hiệu lực.
Phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý có thẩm quyền đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi Giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất.
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc nhập khẩu khí N2O nhằm mục đích sử dụng cho công nghiệp nhưng sau đó đem bán sử dụng cho con người, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, ngày 29 tháng 5 năm 2019, Bộ Y tế có Công văn 2954/BYT-KCB nêu rõ: không sử dụng khí N2O vào mục đích vui chơi giải trí. Tuy nhiên, đây mới chỉ là văn bản dưới luật mang tính chất tham khảo, không phải văn bản quy phạm pháp luật, bắt buộc người dân phải tuân theo.
“Khí N2O nếu được sử dụng đúng cách, theo chỉ dẫn của bác sĩ thì không gây hại cho cơ thể con người, nhưng nếu không được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định thì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của người sử dụng. Vì vậy, mọi người cần có những hiểu biết đầy đủ để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng”, luật sư Tuấn khuyến cáo./.