Kỳ thị người mắc COVID, phạt tới 5 năm tù

Thứ bảy, 24/07/2021 15:38
(ĐCSVN) – Từ thông tin phản ánh của bạn Nguyễn Hồng Quảng, địa chỉ mail: hongquang74xx@gmail.com liên quan đến nội dung: Vợ, con anh không may mắc COVID-19, nhưng thời gian gần đây, một số người dân sống xung quanh có biểu hiện kỳ thị gia đình anh, vậy trường hợp này vi phạm quy định nào; mức xử phạt ra sao? Qua trao đổi, Luật sư Hoàng Tiến Dương, đoàn Luật sư TP Hà Nội đã có những phân tích, giải đáp.
leftcenterrightdel
Người mắc COVID-19 cần được động viên, chia sẻ, mọi hành vi kỳ thị đều sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. (Ảnh minh họa: ĐT).

Theo Luật sư Hoàng Tiến Dương, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, trong khi cả nước đồng lòng chống dịch thì cũng còn không ít trường hợp tỏ ra kỳ thị với những người nghi ngờ, người nhiễm COVID-19 bằng những biểu hiện ở các mức độ khác nhau. Hành vi kỳ thị này là vi phạm pháp luật và tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý từ hành chính đến hình sự.

 Một trong những hành vi kỳ thị phổ biến trong xã hội, theo Luật sư Hoàng Tiến Dương là tung tin thất thiệt về người mắc COVID-19 hoặc người trở về từ vùng dịch, từ đó khiến cộng đồng có cái nhìn không đúng, dẫn đến xa lánh, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ. Hành vi này nếu vi phạm, chiếu theo quy định về xử phạt hành chính thì được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Mục 1, Chương II, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể:

 Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

 Trong khi đó, nếu hành vi này nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, theo Luật sư Hoàng Tiến Dương thì sẽ bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác, với mức phạt từ cao nhất lên đến 5 năm (Điều 155, Chương XIV, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015). Cụ thể như sau:

 Điều 155. Tội làm nhục người khác

 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 a) Phạm tội 02 lần trở lên;

 b) Đối với 02 người trở lên;

 c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 d) Đối với người đang thi hành công vụ;

 đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

 e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

 g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

 a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

 b) Làm nạn nhân tự sát.

 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 Ngoài ra, hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân (từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật". (Theo điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP):

 Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

 a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

 3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

 “Như vậy, đối chiếu các quy định của pháp luật, trường hợp hành vi kỳ thị người mắc COVID-19 có thể bị xử lý hành chính; xử lý hình sự trong trường hợp cơ quan chức năng xác định rõ hành vi vi phạm của người vi phạm; tương ứng với đó là các mức xử phạt tương xứng cũng như biện pháp khắc phục triệt để, cấm tái phạm. Trên đây là những ý kiến tham khảo, trường hợp công dân nếu cần được hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết có thể liên hệ cơ quan chuyên môn (Công an, Y tế, Tư pháp …) để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật” – Luật sư Hoàng Tiến Dương phân tích thêm./.

Trường Quân (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực