Lái xe đâm vào nhà số 47 phố Hàng Bạc có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Thứ năm, 07/12/2023 10:52
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo luật sư, việc tài xế điều khiển xe ô tô khi trong người có nồng độ cồn, gây va chạm giao thông là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật giao thông đường bộ năm 2008. Cơ quan chức năng sẽ xác minh, điều tra, làm rõ nguyên nhân cũng như định giá tài sản thiệt hại để xem xét, xử lý theo quy định.

Ngày 5/12, Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) cho biết đã chuyển hồ sơ vụ nữ tài xế lái xe ôtô Mercedes đâm đổ một phần ngôi nhà số 47 phố Hàng Bạc, phường Hàng Bạc sang Đội điều tra tổng hợp để điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.

Trước đó, khoảng 03h30 ngày 4/12, chị B.T.L. (sinh năm 2003, có 2 quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Séc), ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, điều khiển xe ôtô Mercedes màu trắng lưu thông trên phố Hàng Bạc, hướng đi phố Hàng Ngang. Khi đến nhà số 47 thì bất ngờ lao vào ngôi nhà khiến bức tường bị đổ, chiếc xe hư hỏng nặng phần đầu. Qua kiểm tra, tài xế vi phạm nồng độ cồn 0,378 mg/lít khí thở (mức 2 tức là ngưỡng từ 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở).

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, hiện trường ngôi nhà đã được rào chắn để những viên gạch bị đổ vỡ cũng được giữ lại, phục vụ cho việc tu sửa. Đại diện Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết đang đợi cơ quan công an kết luận cá nhân nào phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Cường (cư dân sống tại nhà số 47 Hàng Bạc) cho biết: "Sau vụ việc, gia đình nữ tài xế xe Mercedes nói sẽ khắc phục hậu quả nhanh chóng. Căn nhà này đã có từ lâu đời, hiện có 5 hộ dân đang sinh sống".

 Chiếc Mercedes GLC63S tông sập một bên tường đỡ mái hiên căn nhà cổ (Ảnh: CTV)

Có ý kiến cho rằng, ngoài việc bồi thường thiệt hại cho các hộ dân có liên quan, nữ tài xế còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, việc nữ tài xế điều khiển xe ô tô khi trong người có nồng độ cồn, gây va chạm giao thông là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật giao thông đường bộ năm 2008.

Cơ quan chức năng sẽ xác minh, điều tra, làm rõ nguyên nhân cũng như định giá tài sản thiệt hại để xem xét, xử lý theo quy định.

Cụ thể trong trường hợp giá trị tài sản bị thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên thì nữ tài xế này sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Mục 1 Chương XXI phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo Khoản 1, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng thì sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm theo quy định tại Khoản 2.

Thậm chí có thể bị áp dụng khung phạt tù từ 07 đến 15 năm theo quy định tại Khoản 3 Điều này trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Luật sư Tuấn phân tích, ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nữ tài xế còn phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho chủ sở hữu bị xâm phạm trong phạm vi phần thiệt hại do lỗi của bản thân gây ra, được quy định tại Điều 589 Mục 2 Chương XX phần thứ hai Bộ luật Dân sự năm 2015, bao gồm tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; và Thiệt hại khác do luật quy định.

Phần giá trị thiệt hại phải áp dụng theo thời giá, khấu trừ đi hao mòn tài sản theo thời gian hay các hao mòn khác (nếu có) còn phần chi phí phục dựng có thể bao gồm các khoản như tiền vật liệu xây dựng, tiền nhân công hay các khoản chi phí khác.

Tất nhiên, với mức vi phạm nồng độ cồn 0,378 mg/lít khí thở, theo quy định tại Điểm c Khoản 8 Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nữ tài xế sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng do điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở.

Do công trình bị xâm hại là một trong 538 ngôi nhà thuộc diện bảo tồn, thuộc nhóm những ngôi nhà cổ nhất Hà Nội còn sót lại thuộc tài sản của Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội nên vụ việc đang được tích cực điều tra thụ lý, giám định tài sản./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực