Lái xe đạp nhầm chân ga gây tai nạn có được bồi thường?

Thứ năm, 06/04/2023 15:27
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo luật sư, việc chủ phương tiện có được công ty bảo hiểm bồi thường khi gây tai nạn hay không còn căn cứ vào hành vi, phạm vi và hợp đồng bảo hiểm được thỏa thuận giữa hai bên.

Ngày 6/4/2023, cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự, ra quyết định tạm giữ hình sự với tài xế Hoàng Ngọc Vĩnh (63 tuổi, trú tại phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Ông Vĩnh là người gây ra vụ tai nạn liên hoàn với 17 xe máy tại ngã tư Võ Chí Công - Xuân La chiều 5/4/2023 do đạp nhầm chân ga, khiến nhiều người bị thương.

Đạp nhầm chân ga thay vì chân phanh là lỗi giao thông gặp phải khi điều khiển ô tô, đặc biệt là ở dòng xe số tự động. Dù là lâu năm hay lái mới đều có thể mắc phải lỗi này khi gặp những tình huống đột ngột, bất ngờ trên đường.

Đơn cử như vụ nữ tài xế điều khiển chiếc xe Ford đạp nhầm chân ga lao thẳng vào showroom ô tô ở Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày 10/12/2020 khiến 1 người tử vong tại chỗ.

Mới đây, ngày 1/4/2023, trong lúc đỗ ô tô trên vỉa hè đường ven hồ Tây, nữ tài xế chở theo 2 con nhỏ trong ô tô đã đạp nhầm chân phanh thành chân ga, rồi lao xuống hồ.

Nhiều bạn đọc muốn biết khi xảy ra tai nạn do đạp nhầm chân ga, như xe lao xuống hồ nước hay bị hư hỏng do va chạm nặng, chủ xe có được hưởng quyền lợi bảo hiểm hay không.

Đỗ ô tô trên vỉa hè, nữ tài xế chở theo 2 con nhỏ đã đạp nhầm chân phanh thành chân ga rồi lao xuống hồ Tây, Hà Nội (Ảnh: Hữu Huy) 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, khi tham gia giao thông, ngoài các giấy tờ cần thiết thì chủ sở hữu xe ô tô cần có bảo hiểm ô tô bắt buộc (bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới).

Căn cứ Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 03/2021/NĐ-CP (Số: 03/2021/NĐ-CP, ngày 15 tháng 01 năm 2021) phạm vi bồi thường thiệt hại bao gồm: Thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra; và thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của hành khách do xe cơ giới gây ra.

“Như vậy, nếu chủ xe đạp nhầm chân ga lao xuống hồ không gây thiệt hại cho người khác thì sẽ không được hưởng bảo hiểm ô tô bắt buộc”, luật sư Tuấn phân tích.

Tuy nhiên, nếu chủ xe có mua bảo hiểm tự nguyện đối với cá nhân và ô tô (bảo hiểm thân vỏ, bảo hiểm vật chất…) của công ty bảo hiểm, khi có thiệt hại xảy ra, căn cứ vào thiệt hại thực tế và các thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm giữa các bên thì công ty này có trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng.

Về những trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo Điều 13 Mục 1 Chương II Nghị định 03/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:

1. Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại.

2. Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.

3. Người lái xe chưa đủ độ tuổi hoặc quá độ tuổi điều khiển xe cơ giới theo quy định pháp luật về giao thông đường bộ; người lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ (có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe) hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa hoặc sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không phù hợp đối với xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc bị thu hồi Giấy phép lái xe thì được coi là không có Giấy phép lái xe.

4. Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp bao gồm: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.

5. Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật.

6. Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.

7. Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.

8. Chiến tranh, khủng bố, động đất.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hành động đạp nhầm chân ga, có thể kể ra như tâm lý lái xe, tư thế vị trí ghế ngồi, để chân chờ ở ngay bàn đạp ga, sử dụng 2 chân trên bàn đạp ga và phanh, chuyển số N hoặc P khi dừng đỗ xe… Do đó, các lái xe cần hết sức tập trung khi tham gia giao thông, tránh các tình huống đáng tiếc có thể xảy ra”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực