Làm giả giấy đi đường phạt đến 20 năm tù?

Chủ nhật, 15/08/2021 16:15
(ĐCSVN) - Trước ý kiến của một số bạn đọc hỏi về xử lý việc làm giả giấy đi đường, đặc biệt là ý kiến của anh Hoàng Đức Thanh, địa chỉ tại huyện Long Thành, tỉnh Đông Nai về việc: Trường hợp em trai ông là giám đốc công ty, vừa qua có ký khống, cấp giả giấy đi đường cho nhân viên đi ra ngoài (vi phạm Chỉ thị 16/CT-TTg), cơ quan chức năng đã phát hiện. Vậy, hành vi vi phạm này tương xứng với tội danh nào? Mức xử phạt ra sao? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư để phân tích, giải đáp.

Theo quan điểm của Luật sư Lê Xuân Thảo, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên cơ quan chức năng áp dụng một số biện pháp như hạn chế đi lại của người dân vì lợi ích chung là phòng, chống dịch COVID-19. Việc cấp giấy đi đường không đúng đối tượng hay sử dụng giấy đi đường, giấy xét nghiệm COVID-19 giả để  lấy "lý do" qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch thì người sử dụng có thể bị phạt tù, đơn vị cấp "khống" chắc chắn sẽ bị xử lý hình sự.

 Việc tổ chức hay cá nhân đứng đầu thực hiện làm, cấp giả để người sử dụng giấy tờ không đúng quy định, giấy tờ giả nhằm hợp thức hoá thủ tục để được qua chốt kiểm soát dịch vì lợi ích cá nhân ngoài việc bị xử phạt hành chính thì họ còn có thể bị xử lý hình sự về hành vi vi phạm của mình. Ngoài ra, bản thân họ cũng có nguy cơ bị mắc bệnh cũng như làm lây cho người thân.

Pháp luật đã quy định, trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm

việc cấp giấy đi đường sai mục đích, đối tượng sẽ bị xử lý thích đáng. (Ảnh: Linh Phạm).

Do đó, theo Luật sư Thảo, trường hợp này, nếu cơ quan chức năng xác định các cơ quan, tổ chức cấp giấy đi đường cho người không làm việc tại đơn vị có thể bị xử lý hình sự về hành vi giả mạo trong công tác theo quy định tại Điều 359, Mục 1, Chương XXIII, Bộ luật Hình sự 2015.

 Đối với người sử dụng giấy đi đường, trường hợp biết đây là giấy không đúng nhưng vẫn dùng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì cũng có thể bị xử lý hình sự về hành vi sử dụng giấy tờ giả của cơ quan tổ chức theo Điều 341, Chương XXII, Bộ Luật hình sự năm 2015.

 Cụ thể, Điều 341, Chương XXII, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

 1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

 d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;

 đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

 e) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

 a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

 b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

 c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 Trong khi đó, theo luật sư Thảo, Điều 359, Mục 1, Chương XXIII, Bộ luật Hình sự 2015 về Tội giả mạo trong công tác gồm:

 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 2 giấy tờ giả đến 5 giấy tờ giả.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 5 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;

b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

 “Như vậy, đối chiếu các quy định nêu trên, dựa vào quá trình xác minh, điều tra, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện các biện pháp xử lý tổ chức, cá nhân nếu có hành vi vi phạm làm giả, cấp sai đối tượng về giấy đi đường. Đây là trường hợp có thể quy kết vào tội “Làm giả mạo trong công tác”; “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tương ứng với hành vi vi phạm sẽ ứng với mức xử lý, xử phạt cụ thể. Trên đây là ý kiến giải đáp mang tính tham khảo, trường hợp cần thiết, anh Hoàng Đức Thanh có thể liên hệ đề nghị hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan như Công an, VKSND, TAND … gần nhất để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân” – luật sư Lê Xuân Thảo phân tích thêm./.

 
Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực