Tuy nhiên, ngay trong buổi chiều thi môn Toán, khi chưa hết thời gian làm bài, trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện hình ảnh một trang trong đề thi môn Toán với nội dung “Giải giùm bé nhà em 36, 38, 40, 42, 45 với ạ. Gấp ạ”. Bước đầu nhận định, đề thi vẫn được đặt trên bàn tại phòng thi, còn phiếu trả lời trắc nghiệm ghi số báo danh người dự thi.
Theo xác minh điều tra của cơ quan chức năng, một thí sinh thuộc trường THPT Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã mang điện thoại vào phòng thi, chụp đề thi Toán đưa lên mạng. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đây là sự cố “lọt đề” - đề thi nghi bị phát tán ra ngoài sau khi đã bóc niêm phong, thí sinh đã làm bài, không phải “lộ đề” - đề thi bị phát tán ra ngoài khi chưa bóc niêm phong, thí sinh chưa làm bài.
|
Hình ảnh chụp màn hình đề thi bị "lộ" khi thời gian làm bài thi chưa kết thúc
|
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Lê Thị Thu Nga, Công ty Luật TNHH Trường Sơn nêu quan điểm, từ góc độ pháp lý đối với cá nhân, tổ chức có liên quan trong sự việc, hành vi làm “lọt đề” của thí sinh nhằm mục đích tìm sự trợ giúp của bên ngoài có thể nhận định như sau: Hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính về vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và trong trường hợp có đủ căn cứ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. Trách nhiệm thí sinh có hành vi vi phạm
Việc làm này của thí sinh trước hết vi phạm Điểm n Khoản 4 Điều 14 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT quy định về hành vi cấm mang các thiết bị truyền tin có thể lợi dụng để gian lận.
Căn cứ Khoản 3 Điều 54 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Khoản 17 Điều 1 Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 quy định “đối với thí sinh vi phạm quy định tại Điều 14; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ bên ngoài vào phòng thi” thì sẽ bị đình chỉ thi.
Ngoài ra, thí sinh này còn có thể bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng vì hành vi mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi theo Điểm a Khoản 3 Điều 14 và bị phạt tiền từ 14 - 16 triệu đồng vì hành vi nhờ người khác làm bài hộ theo quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Do đó, thí sinh có thể sẽ bị đình chỉ thi năm nay và bị hủy toàn bộ kết quả thi. Trong vụ việc này, do thời gian thi còn 5 phút nên sẽ không làm ảnh hưởng đến kết quả thi chung của cả nước. Đây là hành vi vi phạm tự phát mang tính chất cá nhân và tiêu cực.
“Đề thi chính thức, đề thi dự bị, đáp án đề thi chính thức, đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp THPT …” là bí mật nhà nước độ Tối mật theo Khoản 2 Điều 1 Quyết định 809/QĐ-TTg ngày 10/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Do đó, trong trường hợp có đủ căn cứ thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm sự về Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Theo Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước thì có thể bị phạt tù lên đến 15 năm; bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng.
2. Trách nhiệm người phát tán đề thi lên mạng xã hội
Qua điều tra, người phát tán đề thi THPT lên mạng xã hội là chị gái của thí sinh có hành vi làm “lọt đề”. Theo Điểm b Khoản 2 Điều 14 Nghị định 04/2021/NĐ-CP thì người này có thể sẽ bị phạt tiền từ 2 - 6 triệu đồng về hành vi trợ giúp thí sinh làm bài.
3. Trách nhiệm các cán bộ coi thi tại phòng thi xảy ra vi phạm và các cá nhân, tổ chức liên quan
Theo quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 22 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định về trách nhiệm của cán bộ coi thi (CBCT) trước Trưởng điểm thi, cụ thể như sau: “CBCT phải bảo vệ đề thi trong giờ thi, không để lọt đề thi ra ngoài phòng thi. Sau khi tính giờ làm bài 15 phút (đối với bài thi độc lập và đối với mỗi môn thành phần trong bài thi tổ hợp), CBCT nộp các đề thi thừa đã được niêm phong cho người được Trưởng điểm thi phân công”.
Đối với các cán bộ coi thi để xảy ra sự việc “lọt đề” môn Toán ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình sẽ phải viết tường trình và có thể bị đình chỉ công tác thi theo Điều 53 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT. Ngoài ra, căn cứ vào mức độ, tính chất thì có thể bị xử lý mang tính kỷ luật nội bộ như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc, hoặc có thể bị cấm đảm nhiệm những công việc liên quan đến thi từ 01 đến 05 năm.
Trong trường hợp có đủ căn cứ thì hành vi của CBCT có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước. Theo Điều 338 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì bị phạt tù lên đến 07 năm; có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các cán bộ thanh tra thi, Trưởng điểm thi có thể bị xem xét xử lý kỷ luật theo Điều 53 Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT.
Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, các cơ quan vi phạm có thể bị cấm đảm nhiệm những công việc liên quan đến thi từ 01 đến 05 năm.
Luật gia Lê Thị Thu Nga cũng nhấn mạnh, tốt nghiệp THPT là một trong những kỳ thi quan trọng bậc nhất đối với các học sinh. Việc để “lọt đề” đã khiến không ít phụ huynh bức xúc xen lẫn lo lắng về việc không đảm bảo tính công bằng. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan liên ngành cần có những biện pháp chặt chẽ hơn nữa trong công tác coi thi, công tác tập huấn, nâng cao năng lực, ý thức kỷ luật của cán bộ coi thi nhằm đảm bảo cho các kỳ thi thật sự nghiêm túc và công bằng./.