Làm và sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả vào xem bóng đá bị xử phạt thế nào?

Thứ ba, 16/11/2021 16:01
(ĐCSVN) - Đội Cảnh sát Điều tra tổng hợp, Công an quận Nam Từ Liêm (thành phố Hà Nội) đã phát hiện, bắt giữ nhóm đối tượng tự ý tổ chức test nhanh COVID-19 trái phép và bán phiếu xét nghiệm giả cho khán giả trận bóng Việt Nam - Nhật Bản vừa diễn ra tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình ngày 11/11.

Nhóm này không hề được cơ quan chức năng cấp phép và có dấu hiệu không test, chỉ điền thông tin, bán kết quả lấy tiền. Lực lượng làm nhiệm vụ tại sân đã lập biên bản và đưa những người liên quan về trụ sở để làm rõ.

Theo Đại tá Nguyễn Thành Long, Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm, trong số khán giả đến sân trực tiếp xem trận đấu có một bộ phận không nghiên cứu kỹ quy định của Ban Tổ chức. Nhiều người không có giấy xét nghiệm đã khiến nhóm đối tượng lợi dụng để test nhanh COVID-19, thậm chí không cần test và tự điền kết quả và bán cho người có nhu cầu.

Bước đầu xác định nhóm người này là nhân viên của một phòng khám có trụ sở tại TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Tính từ 12h00 ngày 11/11 đến lúc bị phát hiện, nhóm trên đã thu lợi bất chính gần 50 triệu đồng. Hiện Công an quận Nam Từ Liêm đang tiếp tục làm rõ, để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Nguyễn Thế Hiển, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) nhận định một số nội dung sau:

Nếu có đủ các căn cứ chứng minh thì nhóm đối tượng trên sẽ bị truy tố “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

 Lực lượng chức năng làm việc với nhóm đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật tại sân Mỹ Đình ngày 11/11/2021 tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực Châu Á (Ảnh: Khánh Huyền)

Theo đó người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: (i) làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên, (ii) sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, (iii) thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Ngoài ra, về hành vi mua và sử dụng kết quả xét nghiệm COVID-19 giả của một số khán giả xem bóng đá trên, trong trường hợp có căn cứ cho thấy người mua sử dụng giấy tờ giả đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì sẽ bị truy tố đối với tội phạm đã vi phạm cùng với “tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

Về xử phạt hành chính, Luật gia Nguyễn Thế Hiển cho rằng đây là hành vi “không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ - CP của Chính phủ, sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Nếu có căn cứ cho thấy hành vi vi phạm của các đối tượng trên làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thì sẽ bị truy tố, xử lý hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người phạm tội này sẽ bị phạt tiền tối đa lên đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù tối đa lên đến 12 năm, ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, cả nước đang căng mình chống dịch, các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ từng trường hợp tại các chốt kiểm soát. Nếu để lọt các cá nhân có kết quả xét nghiệm COVID-19 trên giấy âm tính nhưng thực tế họ đang dương tính thì hậu quả vô cùng khôn lường.

Theo Luật gia Nguyễn Thế Hiển, cần phải xử lý nghiêm minh đối với các cá nhân vi phạm trong vụ việc tại sân Mỹ Đình nói trên nhằm răn đe các hành vi tương tự về sau, tránh gây hoang mang dư luận, đồng thời góp phần bảo vệ, trấn an người dân cũng như các fan bóng đá yên tâm vào sân thưởng thức trận đấu và cổ vũ đội tuyển Việt Nam./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực