Lấp hồ làm đường, xử lý hành chính có đủ răn đe?

Thứ năm, 02/03/2023 16:58
(ĐCSVN) - Theo luật sư, việc cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định xử phạt cá nhân liên quan và giám sát quá trình khắc phục hậu quả, múc đất từ lòng hồ Quảng Bá (Hà Nội) lên để trả lại hiện trạng ban đầu là rất kịp thời, cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ xử lý hành chính thôi xem ra chưa đủ sức răn đe.

Hồ bơi Quảng Bá nằm sát với Hồ Tây và Thung lũng hoa Hồ Tây, thuộc địa bàn phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội, có vị trí đắc địa.

Tuy xung quanh đã được Nhà nước chỉnh trang, kè bờ kiên cố, nhưng thời gian qua xuất hiện một con đường đất "mới tinh" dài hơn 100m, rộng khoảng 3 - 4m, đi qua nhiều công trình xây dựng nhà ở nằm ven hồ. Ngoài việc đổ đất lấn chiếm, người dân còn dựng cổng sắt ở đầu lối ra vào, trồng nhiều cây cối. Kỳ lạ là chính quyền sở tại dường như không hề hay biết.

Sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 27/2, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến đã chỉ đạo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Tuấn Anh cùng lãnh đạo UBND phường Nhật Tân trực tiếp xuống hiện trường. Máy xúc đã được huy động để múc bỏ toàn bộ số đất đã đổ xuống lòng hồ.

Hình ảnh con đường đất lấn hồ bơi Quảng Bá (Ảnh: Nguyễn Trường)

Các cá nhân liên quan đến vụ việc cũng được mời tới trụ sở làm việc, lập biên bản vi phạm và cam kết khắc phục hậu quả, hoàn trả hiện trạng ban đầu trước ngày 10/3.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, mục đích của hoạt động san lấp nói trên để phục vụ việc xây dựng nhà ở, đầu tư xây dựng công trình mà không xin phép, báo cáo chính quyền địa phương rõ ràng vi phạm pháp luật.

Điều 12 Chương I Luật Đất đai 2013 (Luật số: 45/2013/QH13, ngày 29 tháng 11 năm 2013) quy định những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai; Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai….

Theo Điểm a Khoản 3 Điều 3 Chương I Nghị định 91/2019/NĐ-CP (Số: 91/2019/NĐ-CP, ngày 19 tháng 11 năm 2019) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì hành vi tự ý đổ đất san lấp mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước… cụ thể ở đây là ao hồ sẽ làm biến dạng địa hình, gây hủy hoại đất.

Hậu quả của hành vị tự ý san lấp ao hồ… là làm biến dạng địa hình và suy giảm chất lượng đất và nguồn nước, gây xáo trộn, ô nhiễm đất, làm giảm hoặc là làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được cơ quan quản lý xác định từ đầu.

Về mức xử phạt, căn cứ Điều 15 Chương II Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về hủy hoại đất như sau: Trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.

Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

“Như vậy, tùy vào diện tích đất bị hủy hoại mà có mức phạt tiền tương ứng. Cá nhân/tổ chức vi phạm còn bị buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Mức phạt với tổ chức khi có hành vi vi phạm bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”, luật sư Tuấn phân tích.

Lực lượng chức năng cũng sẽ kiểm tra việc tuân thủ giấy phép xây dựng của những ngôi nhà đã và đang xây dựng ven hồ bơi Quảng Bá; đồng thời điều tra, xác minh nguồn gốc của vật liệu dùng cho quá trình san lấp, nếu phát hiện sai phạm hoàn toàn có thể xử lý theo các quy định pháp luật liên quan tới khoáng sản. 

“Cơ quan quản lý nhà nước có thể nghiên cứu, xem xét ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống flycam, camera để thu thập hình ảnh các công trình đang xây dựng có phép cũng như không phép vừa mới mọc lên, sử dụng công nghệ để xử lý, so sánh với cơ sở dữ liệu có sẵn và đưa ra thông tin cảnh báo các công trình vừa mới vi phạm trật tự xây dựng đô thị”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực