Lợi dụng dịch bệnh bán thuốc chưa được kiểm chứng có bị xử lý hình sự?

Thứ hai, 23/08/2021 16:00
(ĐCSVN) - Nếu cơ quan chức năng vào cuộc, đủ căn cứ chứng minh thuốc được bán ra hoặc người bán thuốc không đáp ứng điều kiện cho phép và hoạt động này thu lợi từ 2 triệu đồng trở lên, những người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời gian qua, nhiều người dân tại TP. HCM phản ánh về việc được một số người tự xưng là bác sỹ đã hướng dẫn, chào bán những loại thuốc điều trị COVID-19 trên các hội nhóm. Thuốc được giới thiệu có giá cao, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc chưa được Bộ Y tế cho phép sử dụng.

Người bệnh nếu tin theo mà không hiểu rõ thể trạng bệnh, tình hình sức khỏe của bản thân rồi sử dụng không đúng liều lượng thì dễ gây tác dụng phụ.

Theo một quản trị viên trong diễn đàn “Nhóm bác sĩ hỗ trợ tư vấn F1, F0 cách ly tại nhà” với hơn 20.000 thành viên, thông tin nhóm có gần 80 bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau tư vấn online cho bệnh nhân trên tinh thần tự nguyện. Bác sĩ chỉ hỗ trợ và nêu ra danh mục thuốc và các thiết bị y tế cần thiết để bệnh nhân hay người nhà liên hệ mua ở các hiệu thuốc chứ không bán thuốc.

 Những ngày qua, nhiều "túi thuốc cùng F0 chiến thắng COVID-19" đã được trao đến từng người dân mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Phạm Ngôn)

Trong khi đó, bác sỹ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho rằng, bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà nên theo đơn thuốc được ngành Y tế hướng dẫn. Đó là các thuốc hạ sốt, nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền), kháng virus và kháng viêm corticoid, kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định.

Người dân chỉ sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2 < 95%, nếu có) và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Thuốc kháng viêm và kháng đông có thời gian sử dụng tối đa là 7 ngày, chỉ sử dụng cho người trên 18 tuổi và thận trọng khi sử dụng cho người trên 80 tuổi.

Các loại thuốc này chống chỉ định với phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan, suy thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có các bệnh lý dễ chảy máu. Khi sử dụng cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết (như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa...).

“Mỗi người có cơ địa, bệnh lý mức độ khác nhau nên cần có sự chỉ định về liều lượng theo từng giai đoạn bệnh. Thuốc y học cổ truyền hiện nay có một số bài thuốc giúp hỗ trợ điều trị bệnh chứ không thể chữa khỏi bệnh nên người dân cần cẩn trọng”, bác sỹ Trương Hữu Khanh khuyến cáo.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Báo điện tử ĐCSVN, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nêu quan điểm, theo Điều 13 Luật Dược số 105/2016/QH13, ngày 06/4/2016, người bán thuốc phải đáp ứng các điều kiện như: Có văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn theo quy định phù hợp với vị trí công việc và cơ sở kinh doanh dược. Ngoài ra, họ cần là nhân viên cơ sở tổ chức bán lẻ thuốc lưu động còn giá thuốc phải được niêm yết cụ thể tại cơ sở, tổ chức đó.

Do đó, những hành vi chào mời, bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo công dụng, giá cả không rõ ràng hoặc có thể là thuốc đủ điều kiện bán nhưng được cung cấp bởi người không đủ điều kiện bán lẻ thuốc đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể, theo Điểm 1.6, Mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, người có hành vi lợi dụng dịch bệnh COVID-19 đưa thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Đối chiếu với trường hợp này, nếu cơ quan chức năng vào cuộc, đủ căn cứ chứng minh thuốc được bán ra hoặc người bán thuốc không đáp ứng điều kiện cho phép và hoạt động này thu lợi từ 2 triệu đồng trở lên, những người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tùy thuộc tình tiết định khung, người phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ tới 3 năm, phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm hoặc đối diện mức án tối đa là tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cũng theo luật sư Thắng, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp như hiện nay, họ còn có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng là Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội theo Điểm l Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực