Lừa nhận thầu vé máy bay để chiếm đoạt tiền sẽ bị xử lý như thế nào?

Thứ sáu, 25/03/2022 09:55
(ĐCSVN) – Quá trình thống nhất cùng đóng góp vốn để “thầu” mua vé máy bay cho cán bộ, nhân viên một tập đoàn, tuy nhiên đối tượng đã ngang nhiên không cam kết thực hiện, nói dối nhằm cố tình chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng của bị hại để tiêu xài cá nhân. Với hành vi sai phạm này, đối tượng vi phạm có thể đối diện với mức án tù chung thân theo quy định tại Bộ luật Hình sự.

Điều tra ban đầu từ công an TP Đà Nẵng cho thấy, Nguyễn Thị Thùy Trang (30 tuổi, trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) là nhân viên của Tập đoàn S và từng có thời gian bán vé máy bay qua mạng. Lợi dụng quen biết, Trang nói dối với chị T.T.B.D (trú phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) rằng mình đã ký hợp đồng nhận thầu mua vé máy bay cho cán bộ, nhân viên của Tập đoàn S nên cần tiền để mua vé trước giao cho khách, đến cuối mỗi tháng sẽ được tập đoàn thanh toán lại để rủ chị D. góp vốn làm ăn, chia lợi nhuận.

 Cơ quan công an TP Đà Nẵng điều tra tống đạt quyết định khởi tố Nguyễn Thị Thùy Trang. (Nguồn: vtc.vn)

Từ giữa năm 2017 đến cuối năm 2020, chị D. nhiều lần đưa tiền cho Trang theo thỏa thuận góp vốn. Một thời gian sau, chị D. hỏi lấy lại phần vốn đã góp thì Trang viện đủ lý do để trì hoãn. Trang thừa nhận không ký kết hợp đồng nhận thầu vé máy bay với tập đoàn S. mà tự dựng lên để lừa chị D. Đến khi hành vi bị lật tẩy, Trang đã tiêu hết toàn bộ số tiền chiếm đoạt.

 Nhìn nhận hành vi vi phạm trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Tiến, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc cơ quan Công an TP Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thùy Trang về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là hoàn toàn có cơ sở. Đối chiếu theo những quy định liên quan về mức xử lý hành vi vi phạm này, đối tượng vi phạm có thể đối diện với mức xử lý hình sự. Với hành vi này, mức án thấp nhất đối với đối tượng vi phạm là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; cao nhất là mức án tù chung thân (điều 174, chương XVI, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017). Cụ thể như sau:

 Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

 d) Tái phạm nguy hiểm;

 đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

 g)(được bãi bỏ)

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 b) (được bãi bỏ)

 c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

 a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

 b) (được bãi bỏ)

 c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 “Như vậy, căn cứ pháp lý trên đã nêu rõ mức xử lý tương đương với hành vi vi phạm của đối tượng vi phạm quy định đối với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, quá trình xử lý, cơ quan chức năng sẽ xem xét, làm rõ những yếu tố liên quan để đưa ra mức xử lý bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Việc bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội sẽ góp phần tăng tính răn đe pháp luật, không để tái lặp hành vi tương tự trong thời gian tới” – luật sư Đặng Văn Tiến cho biết thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực