Luật sư nói gì về hành vi khai báo gian đối để trục lợi bảo hiểm?

Thứ sáu, 22/10/2021 16:28
(ĐCSVN) – Trục lợi bảo hiểm ngày càng trở nên nghiêm trọng, tinh vi, không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm chân chính mà còn tạo ra những vấn nạn xã hội.
(Ảnh minh họa: Nguồn: vietnamnet.vn).

Lợi dụng thời điểm diễn biến phức tạp bởi dịch COVID-19, thời gian qua, tại một số địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch liên tiếp xuất hiện hành vi vi phạm về khai báo gian dối để trục lợi Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế … Điều đáng chú ý là các đối tượng đã lợi dụng nhiều “chiêu trò”, “thủ thuật” để thực hiện những hành vi hết sức tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng nhằm trục lợi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hình thức trục lợi bảo hiểm được sử dụng nhiều nhất được cơ quan chức năng phát hiện như: Tạo hiện trường giả, giả mạo giấy tờ, lợi dụng chức vụ; giả mạo thông tin nhân thân để khám tại bệnh viện; làm giả hồ sơ y tế để trục lợi; tự gây thương tích để trục lợi bảo hiểm; tiếp cận với những người bị bệnh hiểm nghèo để giúp đỡ họ che giấu thông tin, mua và làm hồ sơ yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm, sau đó ăn chia với nhau …

Hành vi này cần lên án và phải xử lý nghiêm không chỉ vi phạm ở việc gian dối trục lợi, ngoài việc có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản mà nghiêm trọng hơn nó còn gây tâm lý lo lắng, bất an đối với xã hội trong quá trình bảo đảm hoạt động an sinh xã hội tại các địa phương.

 Đối với hành vi khai báo gian dối để trục lợi bảo hiểm, luật sư Đặng Văn Tiến, đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích, theo quy định tại khoản 1, Điều 19, Mục 1, Chương II, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000: Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; bên mua bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm. Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin do bên mua bảo hiểm cung cấp.

 Đối với hành vi không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, thì có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 17, Mục 3, Chương II, Nghị định 98/2013/NĐ-CP, ngày 28/8/2013 của Chính phủ. Tuy nhiên, hành vi này chỉ áp dụng đối với hành vi cá nhân, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, còn người mua bảo hiểm sẽ không bị xử phạt hành chính.

 Đối với hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được trả tiền bảo hiểm hoặc được bồi thường của người mua bảo hiểm thì Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm khi bên mua bảo hiểm theo quy định tại khoản 2, Điều 19, Mục 3, Chương II, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

 Đặc biệt, cũng theo ý kiến từ luật sư Đặng Văn Tiến, trên thực tế có nhiều trường hợp đã lợi dụng việc mua bảo hiểm rồi trục lợi, nên pháp luật đã có những quy định để xử lý những trường hợp này. Cụ thể, hành vi trục lợi bảo hiểm từ 20 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, và mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

 Điều 213, Mục 2, Chương XVIII, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm như sau:

 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

 a) Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

 b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

 c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

 d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật có quy định khác.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

 c) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

 đ) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

 a) Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;

 b) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

 “Trước thực trạng này, cơ quan chức năng cần có những biện pháp khắc phục và chế tài xử lý hành chính trong trường hợp người mua bảo hiểm có hành vi gian dối, khai báo không đúng sự thật. Trường hợp đã bị xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả nhưng vẫn tiếp tục tái phạm thì mới áp dụng các quy định của pháp luật luật hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh bảo hiểm cần phải có kế hoạch cụ thể trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm” – luật sư Đặng Văn Tiến cho biết thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực