Luật sư nói gì về hành vi tráo “sổ đỏ” chiếm đoạt tài sản?

Thứ tư, 24/11/2021 22:17
(ĐCSVN) – Khi có đủ căn cứ điều tra, xác minh, làm rõ hành vi tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), ngoài việc bị xem xét, xử lý về tội danh “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, đối tượng vi phạm còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Thông tin từ Công an TP.Cần Thơ cho biết, đơn vị vừa triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động liên tỉnh với hành vi lừa đảo bằng thủ đoạn làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi sổ đỏ) rồi đánh tráo lấy "sổ đỏ" thật mang đi chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp để chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Lưu Hoàng Hải (chủ mưu) và một trong số sổ đỏ nhóm đối tượng đánh tráo
để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: Công an TP Cần Thơ cung cấp)

Thời gian qua, tại khu vực TP.Cần Thơ và các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện nhóm đối tượng từ TP Hồ Chí Minh đến, chúng dùng thủ đoạn tìm số điện thoại của những người đang cần bán đất, bán nhà bằng nhiều nguồn khác nhau (thông qua môi giới, rao bán trên mạng...) để giả vờ giao dịch rồi xin "sổ đỏ" photo mang đi làm giả. Nhóm đối tượng này sau đó lấy tên giả, sử dụng số điện thoại khuyến mãi liên hệ gặp chủ đất để xem vị trí đất, nhà và "sổ đỏ" bản chính để đặt cọc. Lợi dụng chủ đất mất cảnh giác, những người này đánh tráo lấy "sổ đỏ" thật. Tiếp đó, nhóm đối tượng thuê người đóng giả chủ đất (làm giả giấy tờ tùy thân của chủ đất như: CMND, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn) để ủy quyền, chuyển nhượng cho người khác với giá rẻ hơn so với giá thực trên thị trường. Thực hiện xong giao dịch chúng tắt điện thoại di động. Do "sổ đỏ" là thật nên Văn phòng công chứng và Phòng Tài nguyên và Môi trường không phát hiện ra. Khi chủ đất phát hiện ra sự việc thì hợp đồng chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp tài sản đã qua nhiều người khác nhau.

 Theo đó các đối tượng đã thực hiện 4 vụ đánh tráo được 6 "sổ đỏ" trên địa bàn TP.Cần Thơ, rồi thực hiện giao dịch chuyển nhượng, cầm cố được 4 "sổ đỏ" chiếm đoạt số tiền hơn 15 tỷ đồng. Ngoài ra các bị can còn khai nhận đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các tỉnh như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An và Bến Tre để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau thời gian điều tra, Công an TP.Cần Thơ phối hợp với lực lượng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã bắt giữ và khởi tố bị can đối tượng Lưu Hoàng Hải (49 tuổi, ngụ TP.HCM) cùng 4 người khác cùng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó Hải được xác định là kẻ chủ mưu cầm đầu.

 Việc cơ quan công an nhanh chóng phát hiện, điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của nhóm đối tượng này được dư luận đặc biệt quan tâm, bày tỏ sự ủng hộ rất cao. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt ra vấn đề, trong trường hợp hành vi vi phạm này, đối tượng vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao? phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư để phân tích, làm rõ.

 Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Dương, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ những thông tin mình đưa ra là không đúng sự thật, nhận thức rõ việc chiếm đoạt tài sản là vi phạm pháp luật nhưng vẫn mong muốn thực hiện và mong muốn người khác chuyển giao tài sản cho mình để chiếm đoạt. Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản. Tất cả các loại tài sản gồm vật có thực, tài sản hình thành trong tương lai, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản đều có thể là đối tượng tác động của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Luật sư Dương nhấn mạnh, không chỉ xử phạt hành chính, hành vi tráo “sổ đỏ” chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 174, Chương XVI, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

 Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 Thậm chí, trường hợp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

 Theo phân tích của Luật sư Dương, hình phạt cao nhất với tội danh này là phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân đối với trường hợp Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

 Ngoài ra, trường hợp khi xác minh, điều tra, nếu có căn cứ, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nhóm đối tượng về tội làm giả giấy tờ, hồ sơ, con dấu của cơ quan, tổ chức với vai trò là đồng phạm giúp sức quy định tại các điều: điều 341, chương XXII và điều 17, chương III; Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực