Ly hôn khi chồng hoặc vợ đang bị tạm giam?

Thứ sáu, 02/06/2023 17:00
(ĐCSVN) - Theo quy định, người chồng hoặc vợ có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn trừ trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền đơn phương yêu cầu ly hôn. Trường hợp người chồng đang bị tạm giam thì người vợ hoàn toàn có quyền đơn phương đề nghị tòa án giải quyết ly hôn.

Tòa án Nhân dân huyện Kim Thành (Hải Dương) đang thụ lý hồ sơ ly hôn của chị B.T.T.G. (36 tuổi, ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang). Chị G. là người vợ mang bầu 7 tháng, bị chồng là anh Trần Văn Luân (37 tuổi, ở huyện Kim Thành) bạo hành gây xôn xao dư luận thời gian qua. Kết quả giám định thương tích cho thấy nạn nhân có 62 vết bỏng da, 143 vết xước da, bầm tím trên khắp cơ thể (vết dài nhất lên tới 12cm), tổng tỷ lệ tổn thương là 29%.

Bên cạnh việc bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Hành hạ người khác, người đàn ông này đang bị điều tra thêm tội Cố ý gây thương tích.

Ngoài nguyện vọng được ly hôn, chị G. còn mong muốn được quyền nuôi con thứ nhất 17 tháng tuổi. Câu hỏi đặt ra là nếu người vợ mang thai đã nộp đơn ly hôn ra tòa trong khi người chồng đang bị tạm giam thì tòa sẽ giải quyết thế nào?

 Công an huyện Kim Thành làm việc với đối tượng Trần Văn Luân. (Ảnh: Công an tỉnh Hải Dương cung cấp)

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, pháp luật quy định tòa án vẫn xét xử vụ án ly hôn nếu một bên đang bị tam giam.

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực của tòa án. Vợ, chồng hoặc cả hai đều có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn. Nếu vợ chồng có thể thỏa thuận được vấn đề ly hôn, nuôi con và phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, đó là thuận tình ly hôn. Nếu giữa hai bên có bất kỳ tranh chấp nào ở các vấn đề nêu trên, không đạt được sự thống nhất trong việc giải quyết ly hôn thì các bên lựa chọn con đường ly hôn đơn phương.

Thông thường khi giải quyết các vụ ly hôn, tòa sẽ thực hiện các bước hòa giải theo quy định. Nếu hòa giải không thành mới xét xử ly hôn theo nguyện vọng của các bên.

Trong trường hợp trên, tòa án sẽ nhờ công an hỗ trợ để tiếp cận với bị can Luân. Nếu anh này đồng ý ly hôn và chấp thuận giao con chung cho chị G. nuôi, tòa sẽ không cần mở phiên xử. Còn nếu bị can Luân không đồng thuận, yêu cầu mở phiên tòa và đồng ý xét xử vắng mặt thì tòa vẫn phải thực hiện.

"Trường hợp vẫn còn nhiều khúc mắc cần giải quyết trong phiên xử ly hôn, bị can Luân có yêu cầu đến tòa thì tòa án sẽ đề nghị với cơ quan công an đưa anh này ra dự. Tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm khi xảy ra, vì bị can đang trong quá trình tạm giam rất khó được cơ quan công an chấp thuận", luật sư Kỹ nhận định.

Căn cứ quy định tại Điều 51 Mục 1 Chương IV Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Số: 52/2014/QH13, ngày 19 tháng 06 năm 2014) về quyền yêu cầu ly hôn thì:

Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn.

Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, trường hợp chồng đang thi hành biện pháp tạm giam thì hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án cho ly hôn.

Hồ sơ yêu cầu giải quyết việc ly hôn trong trường hợp vợ hoặc chồng đang bị tam giam bao gồm: Đơn khởi kiện ly hôn hoặc Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; Bản chính giấy đăng ký kết hôn; Bản sao hộ khẩu; Bản sao CCCD của vợ và chồng; Bản sao giấy khai sinh của con chung; Các giấy tờ chứng minh về tài sản; Các văn bản liên quan đến việc đang thụ án tù giam của vợ hoặc chồng (bản án, quyết định thi hành án phạt tù).

Theo Điều 28 Mục 1 Chương III Phần thứ nhất và Điều 35 Mục 2 Chương III Phần thứ nhất Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (Luật số: 92/2015/QH13, ngày 25 tháng 11 năm 2015) thì các tranh chấp về ly hôn mà không có yếu tố nước ngoài thì sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân cấp huyện. Do đó, hồ sơ ly hôn khi chồng đang bị tạm giam sẽ nộp tại Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi người chồng đang thi hành biện pháp tạm giam.

Theo luật sư Kỹ, tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn ly hôn của vợ hoặc chồng, sau đó ủy thác cho tòa địa phương - nơi có trại giam mà người chồng đang bị tạm giam để lấy lời khai, ý kiến của người này.

Tại Khoản 1 Điều 56 Mục 1 Chương IV Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Khi ly hôn trong trường hợp này thì không cần chữ ký của người kia và hồ sơ ly hôn đơn phương bao gồm: Đơn khởi kiện ly hôn; Giấy đăng ký kết hôn;Bản sao sổ hộ khẩu được công chứng, chứng thực; Giấy tờ tùy thân của hai bên; Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có tranh chấp về con cái); Các giấy tờ liên quan đến tài sản (nếu có tranh chấp về tài sản).

Hồ sơ ly hôn đơn phương được nộp tại tòa án nơi bị đơn tức là người chồng đang cư trú, sau đó sẽ được tòa án có thẩm quyền xem xét thụ lý, giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, thời hạn giải quyết ly hôn đơn phương khoảng 4 - 6 tháng.

Điều 15, Điều 16 Chương II Hiến pháp 2013 (ngày 28 tháng 11 năm 2013) quy định: Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Điều 26 Hiến pháp cũng quy định: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

Pháp luật hình sự nước ta quy định rất rõ về ưu tiên bảo vệ phụ nữ như: hành vi phạm tội đối với phụ nữ có thai là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; cũng là tình tiết tăng nặng định khung: Giết người mà biết là có thai, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe đối với phụ nữ đang có thai, hành hạ phụ nữ có thai, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đối với phụ nữ mà biết là đang có thai.../.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực