Mạo danh số tổng đài để lừa đảo, xử phạt ra sao?

Thứ sáu, 03/09/2021 16:12
(ĐCSVN) – Thời gian gần đây, lợi dụng thời điểm dịch bệnh, hiện tượng mạo danh tổ chức, cá nhân của những đối tượng xấu để sử dụng các số điện thoại tổng đài (giả) để gọi điện thoại hoặc sử dụng các mạng xã hội cho người dân, doanh nghiệp yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến hồ sơ cá nhân, có dấu hiệu của hành vi lừa đào, uy hiếp tinh thần… để chiếm đoạt tài sản. Vậy hành vi này gây nguy hiểm như thế nào đối với xã hội?

Gửi những ý kiến tới Báo, nhiều bạn đọc bày tỏ nỗi băn khoăn, lo lắng về việc: Thời gian gần đây, liên tiếp xuất hiện các đối tượng tự xưng là nhân viên ngành nước, điện, viễn thông, truyền thông-quảng cáo, ngân hàng, thuế, tòa án, công an … sử dụng các số điện thoại tự cho là số tổng đài (giả) để dọa nạt, đánh vào tâm lý lo sợ của người dân yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để sử dụng mục đích xấu thì sẽ bị xử lý tội danh nào? Mức xử phạt cụ thể? Chúng tôi đã cuộc trao đổi với luật sư để phân tích, làm rõ.

Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với đối tượng có hành vi giả mạo số tổng đài (giả) Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh lợi dụng công tác phòng, chống dịch COVID-19 để đe dọa, có hành vi chiếm đoạt tài sản. (Nguồn: tuoitre.vn).

Theo luật sư Lê Xuân Thảo, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc người dân lên án những vi phạm này nhanh chóng, kịp thời là rất cần thiết. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm, đấu tranh không khoan nhượng không chỉ từ cơ quan chức năng mà ngay từ chính bản thân mỗi người dân. Các cơ quan chức năng, báo chí cũng đã nhiều lần tuyên truyền về hình thức lừa đảo này, tuy nhiên vẫn có nhiều người bị những đối tượng này lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 Hành vi của những đối tượng trên gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân. Thủ đoạn gian dối, giả mạo các cơ quan, tổ chức của Nhà nước để chiếm đoạt tài sản như vậy đã ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan Nhà nước, gây nhiễu thông tin, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội. Những hành vi vi phạm này khi bị phát hiện, điều tra, hoàn toàn có thể bị xem xét xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

 Dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Xuân Thảo cho biết, tùy vào mức độ vi phạm, hành vi lừa đảo thông qua việc mạo danh tổ chức cá nhân như đã nêu ở trên tất cả đều nhằm mục đích để chiếm đoạt tài sản, có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền đến 02 triệu đồng.

 Hành vi gọi điện lừa đảo qua điện thoại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu lừa đảo số tiền từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành, đã phạm tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…

 Ngoài ra, tội này còn quy định các khung hình phạt tăng nặng khác như: Phạt tù từ 02 - 07 năm khi thuộc một trong các trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng; phạt tù từ 07 - 15 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Nặng nhất, người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

 Chúng ta cũng nhìn nhận thực tế rằng, thời gian qua, các tổ chức, cá nhân liên quan đến các lĩnh vực mà đối tượng xấu thường hay mạo danh để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nêu trên, trong đó có ngành viễn thông, nước sạch, công an, thuế, hải quan, điện lực … đã liên tục phát đi những thông báo cảnh báo người dân về hành vi của một số đối tượng giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều này thể hiện trách nhiệm cao trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng; cũng như tích cực đấu tranh, ngăn chặn hành vi của những đối tượng lừa đảo.

 Đối chiếu với những mức xử phạt nêu trên, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, không chỉ tổ chức, cá nhân bị lợi dụng mà mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, quyết liệt đấu tranh phòng chống tội phạm. Về nội dung này, theo luật sư Lê Xuân Thảo, các tổ chức, cá nhân cần thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn hoặc cung cấp chứng cứ, truy vết đối tượng có hành vi lừa đảo để xử lý trước pháp luật, thu hồi những tài sản của khách hàng đã bị đối tượng phạm tội chiếm đoạt.

 Đối với người dân, cần tỉnh táo tiếp nhận thông tin từ các kênh chính thống đã được pháp luật quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ ban hành; tuyệt đối không cung cấp thông tin liên quan đến cá nhân, tránh bị lừa đảo. Trường hợp bị uy hiếp, đe dọa, người dân cần nhanh chóng gửi đơn tố giác tội phạm đến cơ quan công an để nhờ hỗ trợ giải quyết, thu hồi lại tài sản bị chiếm đoạt./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực