Mong bác sĩ Hoàng Công Lương được tại ngoại

Thứ sáu, 30/06/2017 15:16
(ĐCSVN) - Nóng lên trong dư luận những ngày qua, nhiều ý kiến cho rằng việc bắt tạm giam bác sĩ (BS) Hoàng Công Lương trong vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình là không cần thiết. Chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến từ các chuyên gia pháp lý về vấn đề này.

Luật sư Lê Lưu Phú.

Lạm dụng tạm giam?

Đó là quan điểm của Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội). Cụ thể, Luật sư Phú phân tích:

Tại “Điều 88” Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định:

1. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội rất nghiêm trọng;

b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

2. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây:

a) Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;

b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;

c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.”

Như vậy chúng ta có thể hiểu tạm giam là biện pháp ngăn chặn do Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát  hoặc Tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội và người phạm tội quả tang bị bắt trong trường hợp khẩn cấp nhằm mục đích ngăn chặn bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.

Với vụ án sự cố y khoa tại Hòa Bình, thì công an tỉnh Hòa Bình đã có quyết định khởi tố vụ án Vi phạm qui định về chữa bệnh và ra quyết định khởi tố bị can đối với trường hợp của bị can Hoàng Công Lương và bắt tạm giam bị can Hoàng Công Lương với tội danh Vi phạm qui định về chữa bệnh được quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 1999, bổ sung sửa đổi 2009 với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.

Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác  

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị  phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi thì Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành (2003)  quy định về căn cứ tạm giam có phần chưa chặt chẽ, mở rộng đối với bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, dường như bị can, bị cáo cứ phạm vào hai loại tội này là bị tạm giam hoặc đối với bị can, bị cáo bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên hai năm thì cơ quan tố tụng có thể tạm giam khi có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội. Và chính quy định này đã dẫn đến tình trạng lạm dụng tạm giam, hoặc do sức ép của dư luận cứ tạm giam để phục vụ điều tra và đã có nhiều trường hợp đã dẫn đến oan sai.

Nghề bác sỹ là một nghề đặc thù khi mà quyết định của người bác sỹ có thể là cứu người nhưng nếu có sai sót hay rủi ro thì lại làm chết người. Như một bác sỹ đã nói” Bắt giam bác sỹ Lương đang là cú sốc khủng khiếp với nhiều bác sỹ khác”, bởi lẽ:

Một bác sĩ ở một bệnh viện đa khoa trung bình một ngày sẽ đưa ra khoảng 100 y lệnh hay quyết định với người bệnh. Mỗi năm làm việc khoảng 240 ngày, bác sĩ sẽ đưa ra khoảng 24.000 quyết định. Không một bác sĩ nào là hoàn hảo, trong khi các tình huống y tế lại luôn phức tạp và tiềm ẩn những rủi ro. Giả sử bác sĩ có khả năng đúng 99%, thì mỗi năm vẫn xảy ra khoảng 240 sai sót, trong số đó sẽ có những quyết định tác động rất xấu đến người bệnh, thậm chí có thể gây nên cái chết như 18 y lệnh chạy thận nhân tạo của bác sĩ Lương. Đây giả sử là có sai sót từ phía bác sỹ, nếu như bác sỹ Lương có tội thì bác sỹ Lương sẽ phải chịu hình phạt do lỗi của mình. Nhưng khi chưa kết luận là bác sỹ Lương có tội hay không mà đã bắt tạm giam thì vô hình chung đang gây ra tâm lý sợ hãi đối với các bác sỹ đang hành nghề khám chữa bệnh.

Vì vậy, đối với bác sỹ Lương cho tới thời điểm hiện tại không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm,  có nơi cư trú rõ ràng, lý lịch được xác định rõ,  không bỏ trốn hoặc có dấu hiệu bỏ trốn, không có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án thì theo tôi không nhất thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam mà chỉ cần áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ công tác điều tra.

Luật sư Phạm Thanh Tùng.

Tạm giam là không cần thiết!

Đó là quan điểm của Luật sư Phạm Thanh Tùng, Văn phòng luật sư Phạm Thanh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội). Luật sư Tùng có ý kiến: Thứ nhất, theo quan điểm của tôi việc khởi tố là đúng, vì vụ việc này rất nghiêm trọng. Song đối với trường hợp BS. Lương thì không cần thiết phải bắt tạm giam, mà nên cho tại ngoại cũng có thể phục vụ tốt quá trình điều tra mà không ảnh hưởng tới tình tiết vụ án.

Trong vụ việc này có hậu quả, có thiệt hại về người. Nhưng trước tiên chúng ta phải khẳng định vụ việc là ngoài ý muốn của BS. Lương và của toàn thể cán bộ, bác sĩ. Bệnh nhân tử vong chắc chắn không phải do lỗi cố ý. BS. Lương có lẽ cũng không có ý định bỏ trốn, cũng không có điều kiện để tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội, vì đã bị đình chỉ công tác, có thể không cần phải tạm giam?

Lý do thứ hai tôi đưa ra về việc bắt tạm giam là không cần thiết, bởi nó chưa hợp tình, hợp lý. Trong tình huống này có thể bác sĩ bị oan vì do máy móc mà bác sĩ không có chuyên môn về kỹ thuật nên không kiểm soát được (khâu bảo trì thiết bị thuộc về một bộ phận khác...). Có chăng bác sĩ chỉ vì nhiệt tình cứu giúp bệnh nhân và đang làm đúng lương tâm của người thày thuốc. 

“Trong vụ việc này tôi xin nhấn mạnh lại rằng, với trường hợp BS. Lương thì ở đây sự việc đã xảy ra rồi, chưa có cơ sở xác định BS. Lương gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc BS. Lương tiếp tục phạm tội, và mặt khác BS. Lương có nhân thân tốt, đây là lần đầu tiên liên quan đến trách nhiệm hình sự. Do đó cơ quan điều tra phải xác định lỗi của BS. Lương là gì? vi phạm như thế nào? Bởi cũng có thể bác sĩ trẻ này bị oan chứ” – Luật sư Tùng nói.

Liên quan đến vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình , Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam đã có kiến nghị cơ quan chức năng xem xét cho BS Hoàng Công Lương được tại ngoại. Phát biểu trên báo giới, ông Trần Quang Khánh, giám đốc Sở y tế tỉnh Hòa Bình cho biết, ông sẵn sàng bảo lãnh cho BS Lương tại ngoại nhưng không được chấp thuận. Đồng thời trên diễn đàn công luận như báo chí, truyền hình, tâm nguyện của đông đảo nhân dân, trong đó có cả những người là bệnh nhân chạy thận do BS Lương điều trị nhiều năm, thậm chí cả thân nhân của các bệnh nhân đã không may bị tử vong từ sự cố y khoa đáng tiếc trên cũng mong muốn cơ điều tra xem xét cho BS Lương tại ngoại./.

Bài, ảnh: Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực