Mua bán giấy tờ giả có thể bị phạt tới 7 năm tù

Thứ năm, 09/09/2021 15:37
(ĐCSVN) - Từ công tác nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Nam xác định từ tháng 3/2020 đến nay, đối tượng G.V.Q. (31 tuổi, trú huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) sử dụng nhiều tài khoản Zalo, Facebook và tài khoản ngân hàng đăng ký từ các giấy chứng minh nhân dân tìm người có nhu cầu làm giả giấy tờ.

Bước đầu, khoảng 300 người trên toàn quốc, trong đó có 42 trường hợp ở tỉnh Quảng Nam, đã chi 350 triệu đồng để có được chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện ô tô, xe máy, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…. giả.

 Đối tượng G.V.Q tại cơ quan Công an (Ảnh: cơ quan công an cung cấp)

Mở rộng vụ việc, Công an hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi cũng tiến hành tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Đ.Q.V. (27 tuổi, trú huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), là đối tượng cầm đầu đường dây mua bán giấy tờ giả liên quan đến đối tượng G.V.Q. nói trên.

Khám xét nơi ở của V., công an thu giữ 46 phôi giấy phép lái xe dạng thẻ nhựa, 66 phôi căn cước công dân dạng thẻ nhựa, 11 căn cước công dân giả, 4 chứng minh nhân dân giả, 7 giấy phép lái xe giả đã in thông tin, 598 tem bảo mật các loại, các văn bằng chứng chỉ tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, một dấu để đóng dấu nổi chứng minh nhân dân và nhiều phương tiện, tài liệu khác có liên quan.

 Cơ quan chức năng khám xét nơi ở của đối tượng Đ.Q.V. (Ảnh: cơ quan công an cung cấp)

Bước đầu V. khai nhận từ đầu năm 2020 đến nay đã mua máy tính, máy in và các thiết bị cần thiết về in ấn các loại giấy tờ, tài liệu giả và rao bán trên không gian mạng, trong đó có nhiều giấy tờ, tài liệu giả làm theo yêu cầu của đối tượng G.V.Q ở Quảng Nam. Hiện đối tượng G.V.Q. cũng đang bị tạm giữ.

Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vụ việc, Luật gia Nguyễn Thế Hiển, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại TP Hà Nội) nêu quan điểm như sau:

* Đối với 2 đối tượng G.V.Q. và Đ.Q.V:

Nếu có đủ các căn cứ chứng minh, thì 2 đối tượng Q. và V. sẽ bị truy tố “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017. Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: (i) làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên, (ii) sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, (iii) thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.

* Đối với các cá nhân mua giấy tờ giả, sử dụng giấy tờ giả:

Tùy từng trường hợp và mức độ phạm tội mà các cá nhân đó sẽ bị xử lý hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Nếu có đủ căn cứ cho thấy những người này có hành vi xúi giục hoặc giúp sức cho Q. hoặc V. thực hiện tội phạm thì sẽ bị coi là đồng phạm theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và cũng bị truy tố về “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017.

Trong trường hợp không có dấu hiệu đồng phạm nhưng có căn cứ cho thấy người mua sử dụng giấy tờ giả đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì sẽ bị truy tố đối với tội phạm đã vi phạm cùng với “tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017. Ngoài ra nếu đủ căn cứ thì các cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:

- Về hành vi sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả trong thực hiện thủ tục hành chính và công việc khác liên quan đến đất đai, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10-30 triệu đồng, ngoài ra còn phải thực hiện hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả là tịch thu giấy tờ giả và hủy bỏ kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đã thực hiện, theo quy định tại Khoản 3, 4, Điểm b Khoản 5 Điều 35 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

- Về hành vi sử dụng chứng minh nhân dân giả, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng và thực hiện hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu chứng minh nhân dân giả, theo quy định tại Điểm c Khoản 3, Khoản 5 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

- Về hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 7-10 triệu đồng và thực hiện hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định tại Khoản 4, 6 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

 Luật gia Nguyễn Thế Hiển

- Về hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô, từ 3-4 triệu đồng đối với xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh, từ 4-6 triệu đồng đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô, ngoài ra còn bị tịch thu giấy phép lái xe giả theo quy định tại Điểm a Khoản 5, Điểm b Khoản 7, Điểm b Khoản 8, Điểm a Khoản 9 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

- Về hành vi sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe giả, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 300-400.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy và bị tịch thu giấy đăng ký xe giả, theo quy định tại Điểm b Khoản 2, Điểm b Khoản 4 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Đối với xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô thì cá nhân sử dụng đăng ký giả sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng, bị tịch thu giấy đăng ký xe giả và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng, nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện thì bị tịch thu phương tiện, theo quy định tại Điểm đ Khoản 5, Điểm c, đ Khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Luật gia Nguyễn Thế Hiển cũng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác trước những nội dung chào mời mua bán, cung cấp tài liệu, giấy tờ không chính thống trên mạng xã hội, nhanh chóng báo cho các cơ quan chức năng nếu thấy có hiện tượng lừa đảo, giả mạo, đặc biệt không sử dụng các tài liệu, giấy tờ nói trên vì đây là hành vi vi phạm pháp luật./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực