Mua bán trái phép tài khoản ngân hàng có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Thứ tư, 29/09/2021 21:27
(ĐCSVN) – Lợi dụng thời điểm dịch COVID-19, thời gian qua, liên tiếp xuất hiện tình trạng một số đối tượng xấu đã cấu kết thực hiện hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép tài khoản ngân hàng. Hành vi này là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Đối tượng vi phạm có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với mức xử phạt cao nhất lên tới 07 năm tù.

Số sim điện thoại chứa thông tin tài khoản mở tại các ngân hàng bị thu giữ.

(Nguồn: thanhtra.com.vn).

Phản ánh thông tin tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bạn đọc bày tỏ nhiều ý kiến bất bình cũng như thể hiện sự quan tâm, lo lắng về việc thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện loại hình tội phạm hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép tài khoản ngân hàng diễn ra tại một số tỉnh, thành phố.

Dịch bệnh phần nào ảnh hưởng tới điều kiện việc làm, thu nhập hạn chế, nay lại phát sinh hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng khiến nhiều người thực sự cảm thấy bất an trước điều kiện bảo đảm quyền lợi hợp pháp liên quan đến tài sản của mình. Đơn cử như trường hợp mới nhất liên quan đến vụ việc của mình, phản ánh tới Báo, anh N.V.L, địa chỉ tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng cho biết: Thời gian trước đây, anh thường xuyên sử dụng tài khoản ngân hàng X, số 037098xxx để giao dịch, mọi việc diễn ra vẫn bình thường. Tuy nhiên, gần đây, trong quá trình thực hiện giao dịch với khách hàng, anh liên tục nhận được phản hồi về việc tài khoản không đúng, không bảo đảm thực hiện giao dịch khiến công việc, uy tín bị ảnh hưởng. Qua quá trình tìm hiểu, anh N.V.L xác định được việc, số tài khoản ngân hàng đứng tên anh hiện đã bị một số đối tượng xấu câu kết thực hiện hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép. Như vậy, trường hợp hành vi vi phạm này, đối tượng vi phạm sẽ chịu trách nhiệm ra sao? Mức xử lý dựa trên cơ sở nào? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư để phân tích, giải đáp.

 Theo luật sư Đặng Văn Tiến, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép tài khoản ngân hàng là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Đa phần các đối tượng mua lại các tài khoản ngân hàng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo và chuyển tiền chiếm đoạt qua các tài khoản này. Có thể nói, loại hình tội phạm này ngày càng có biểu hiện gia tăng do nhu cầu sử dụng các loại hình thanh toán tín dụng của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện giao dịch dân sự. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo cũng như triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn để bảo vệ quyền lợi của tổ chức, cá nhân, tuy nhiên, hiện tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra, có biểu hiện ngày một lan rộng. Đặc biệt, hành vi này thường xuyên xuất hiện tại các đô thị lớn, nơi hoạt động giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng luôn được người dân thường xuyên thực hiện.

Một trong những vấn đề là tại sao các đối tượng xấu lại có thể mua bán trái phép tài khoản NH? Theo cảnh báo từ cơ quan chức năng, đặc biệt là từ các hệ thống ngân hàng cho thấy, các đối tượng xấu thường lợi dụng danh nghĩa nhân viên Ngân hàng đang làm chi tiêu mở tài khoản thẻ ATM nên rất cần số lượng lớn để đạt thành tích tốt, do đó, cần nhiều người đứng tên mở tài khoản. Số điện thoại dùng đăng ký dịch vụ internet banking ở mỗi tài khoản thẻ ATM sẽ do các đối tượng cung cấp. Sau khi làm thẻ thành công, người mở tài khoản sẽ đưa lại thẻ sim điện thoại mà đối tượng cung cấp với thông tin tài khoản mà người đó vừa mở.

 Điểm chung là, người được thuê sẽ dùng chứng minh thư của bản thân để mở tài khoản ngân hàng; dùng số điện thoại do đối tượng cung cấp làm tên đăng nhập; còn mật khẩu là dãy số được người mở tài khoản viết, dán lên thẻ sim. Sau khi thu mua, các đối tượng tiếp tục rao bán lại thông tin tài khoản thẻ ngân hàng cho các đối tượng khác sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền chiếm đoạt từ hành vi lừa đảo được dịch chuyển thông qua những tài khoản ngân hàng không chính chủ này. Do sim được sử dụng đăng ký với ngân hàng là sim rác nên sau khi thực hiện trót lọt các phi vụ lừa đảo, kẻ lừa đảo bỏ luôn sim để xóa dấu tích. Người cho thuê tên mở tài khoản và thẻ cũng không biết có giao dịch xảy ra vì không nhận được thông báo biến động số dư.

 Qua thực tế điều tra, xác minh cho thấy, các đối tượng  thuê người mở tài khoản, thẻ ngân hàng sau đó sử dụng chính tài khoản, thẻ ngân hàng đó vào mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Những người được thuê mở tài khoản, thẻ ngân hàng thường là học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập nhấp, ít hiểu biết về pháp luật. Họ gần như không để tâm đến những rắc rối  về pháp luật có thể xảy ra nếu đứng tên mở thẻ ATM rồi bán lại cho người khác. Khi tài khoản, thẻ ATM được sử dụng làm công cụ thực hiện các phi vụ lừa tiền, các đối tượng đã biến chiếc thẻ được phát hành đúng quy trình từ giấy tờ thật, người mở thẻ thật, được thực hiện tại ngân hàng thành thẻ bị mạo danh vì người dùng tài khoản và thẻ lại là người khác...

 Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Đặng Văn Tiến cho rằng, hành vi vi phạm của những đối tượng trên hoàn toàn có đủ căn cứ, cơ sở để điều tra, xử lý về tội “Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”. Dựa trên quy định pháp luật, khi đủ căn cứ kết luận tội phạm, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự. Với tội danh này, mức xử lý hành chính cao nhất lên tới 500 triệu đồng, mức xử lý hình sự cao nhất lên tới 07 năm tù (Điều 291, Mục 2, Chương XXI, Bộ luật hình sự 2015). Cụ thể như sau:

 Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng

 1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

 a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;

 b) Có tổ chức;

 c) Có tính chất chuyên nghiệp;

 d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

 đ) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;

 b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.

 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 “Như vậy, đối chiếu các quy định như trên, đối tượng vi phạm ngoài việc chịu trách nhiệm về xử phạt tiền còn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tùy thuộc vào kết quả điều tra, ban hành kết luận cũng như những tình tiết giảm nhẹ bay tăng nặng, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Tuy nhiên, hành vi này rất cần phải lên án vì ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến hoạt động giao dịch cũng như bảo đảm tài sản của tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi, tổ chức, cá nhân cần thận trọng, không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán tài khoản thanh toán, thẻ cho người khác. Việc cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản hiểu theo góc độ nào đó cũng là một hình thức tiếp tay cho đối tượng lừa đảo, vì tài khoản mua được trở thành phương tiện cho các đối tượng lừa đảo nhận tiền của các phi vụ lừa đảo và kéo theo nhiều hệ lụy.” – luật sư Đặng Văn Tiến phân tích thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực