Mua giấy đi đường để 'thông chốt' kiểm dịch, bị phạt thế nào?

Thứ sáu, 27/08/2021 10:04
(ĐCSVN) - Theo luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), với trường hợp các đối tượng bán 9 giấy đi đường giả, thu về 12 triệu đồng tại một hiệu cầm đồ ở quận Đống Đa, xét theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự, các đối tượng này đối diện với khung hình phạt là phạt tù từ 3 - 7 năm.
Những giấy đi đường khống, không có nội dung của doanh nghiệp cấp làm "giấy thông hành" bị lực lượng chức năng Đà Nẵng phát hiện ngăn chặn. Nguồn: cand.com.vn

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, người dân muốn ra đường cần có lí do chính đáng và cần phải có giấy đi đường để xuất trình tại các chốt kiểm soát dịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng sử dụng giấy đi đường giả diễn ra ngày càng nhiều.

Ngày 12/8, Công an quận Thanh Xuân, TP Hà Nội thông tin, đang thụ lý điều tra vụ 3 thanh niên trình 9 giấy đi đường, khai mua ở cửa hàng cầm đồ tại quận Đống Đa. Vụ việc được phát hiện trước đó, vào ngày 6/8, tại chốt phòng chống dịch Covid 19 ở đầu ngõ 214 Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình.

Thời điểm trên, lực lượng chức năng quận Thanh Xuân kiểm tra, đã phát hiện 3 trường hợp (cùng trú tại quận Hoàng Mai) sử dụng giấy đi đường để qua chốt có biểu hiện nghi vấn. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã đưa 3 trường hợp này về trụ sở Công an phường Hạ Đình để xác minh, làm rõ. Tại trụ sở cơ quan công an, 3 thanh niên này khai nhận đã mua 9 giấy đi đường với tổng số tiền 12 triệu đồng tại một cửa hàng cầm đồ ở đường Láng (quận Đống Đa).

Với sai phạm tương tự, ngày 4/8, ông Hồ Văn Khoa – Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) cho biết, quận đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế số tiền 15 triệu đồng đối với hợp tác xã kinh doanh vận tải AHP - chi nhánh Đà Nẵng. Cụ thể Công an phường Hòa An kiểm tra phát hiện ông Trịnh Đình Thanh (trú tổ 44, phường Hòa An) là lái xe hợp tác xã kinh doanh vận tải AHP. Người này đã lấy giấy đi đường của công ty cấp đem về cho hàng xóm sử dụng. Tuy nhiên, hành vi này đã bị Tổ COVID-19 cộng đồng phát hiện và báo lực lượng chức năng thu giữ 7 giấy đi đường của Hợp tác xã AHP. Nội dung các mục khai trong tờ giấy đều để trống, nhưng có chữ ký của giám đốc và con dấu của công ty. Qua làm việc, được biết số giấy này do ông Thanh đem về cấp lại cho 3 hộ dân dùng.

Một vụ việc tương tự, sử dụng giấy đi đường giả mạo: Ngày 11/8, Công an TP Hà Nội thông tin, khoảng 12 giờ 30 cùng ngày, tại chốt phòng dịch Covid-19 trên đường Hồ Chí Minh (xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ), tổ công tác kiểm tra xe ô tô, và phát hiện 2 người có dấu hiệu sử dụng giấy tờ giả mạo để qua chốt. Nam thanh niên xuất trình cho tổ công tác 2 chứng minh nhân dân, 2 giấy xét nghiệm nhanh Covid-19 mang tên N.V.K (SN 1988, ở huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang) và B.T.V (SN 1991, ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình) kèm theo 1 giấy đi đường cấp cho N.V.K.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện giấy đi đường cấp cho K. có dấu hiệu giả mạo. K. cho biết, chở V. từ công ty Samsung SDV (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) về Kim Bôi, Hoà Bình để V. thăm bà nội chồng đang bị ốm nặng, với giá 500.000 đồng. Giấy đi đường K. xin được từ một “người anh xã hội” rồi tự điền tên tuổi vào.

Liên quan tới vấn đề này, với hành vi sử dụng giấy đi đường giả trên thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết: Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, việc hạn chế các hoạt động không thiết yếu và yêu cầu người dân ở trong nhà được coi là biện pháp ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. Nhiều địa phương chỉ cho phép các cơ quan, tổ chức hoạt động trong một số ngành nghề, lĩnh vực thiết yếu được cho người lao động đến làm việc trực tiếp tại trụ sở.

Tại Hà Nội, người lao động thuộc diện được làm việc trực tiếp tại cơ quan, đơn vị để được ra khỏi nhà và di chuyển từ nơi ở đến cơ quan hoặc ngược lại phải có giấy đi đường do cơ quan cấp. Đây là giấy tờ để chứng minh những người này đủ điều kiện đến nơi làm việc. Tuy nhiên, lợi dụng điều này, một số đối tượng đã có hành vi làm, mua bán, sử dụng giấy đi đường giả để được ra khỏi nhà và qua mặt lực lượng chức năng. Đây là hành vi rất đáng lên án, gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng cũng như làm cho nhiều người dễ dàng ra khỏi nhà khi không được phép tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.

Theo luật sư Hồng Thái (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), giấy đi đường do cơ quan cấp có đóng dấu đỏ và cấp cho các cá nhân thuộc diện được phép đến cơ quan, nơi làm việc để làm việc trực tiếp trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Đối chiếu với yêu cầu của cơ quan chức năng tại các văn bản liên quan công tác phòng chống Covid- 19, bạn có thể hiểu: Giấy đi đường đúng quy định phải đảm bảo một số yêu cầu sau:

- Phải được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp hoặc xác nhận. Con dấu, chữ ký tại Giấy đi đường là con dấu thật, chữ ký thật của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó...

- Giấy đi đường chỉ được cấp cho đúng đối tượng (cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức đó) và sử dụng đúng mục đích (chỉ được dùng để di chuyển từ nhà đến nơi làm việc hoặc nhằm thực hiện công việc chuyên môn được giao).

- Giấy đi đường phải đúng theo mẫu do UBND thành phố ban hành và điền đầy đủ thông tin. 

Xét về mặt pháp luật, việc cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp giấy đi đường không đúng quy định (cấp không đúng đối tượng, cấp sai mục đích) có thể bị xử lý hành chính về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, theo tại khoản 2 điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Mức phạt 5-10 triệu đồng áp dụng với cá nhân, tổ chức bị phạt gấp đôi.

Cá nhân làm giả giấy đi đường của cơ quan tổ chức sẽ có dấu hiệu phạm tội Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức, theo điều 341 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Trường hợp phạm tội từ 2 lần trở lên, làm giả từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu; thu lợi bất chính từ 10 triệu đến dưới 50 triệu đồng, khung hình phạt từ 2 đến 5 năm tù. Trường hợp làm 6 con dấu, tài liệu, giấy tờ giả trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên, khung hình phạt từ 3 đến 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền 5-50 triệu đồng.

Ai cố tình dùng giấy tờ đi đường được cấp khống sẽ bị xử lý hành chính về hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, theo khoản 2 điều 14 Nghị định 117/2020, mức phạt 5-10 triệu đồng.

Người có hành vi làm và bán giấy đi đường hoặc bất cứ loại giấy tờ giả nào khác của cơ quan, tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

“Với trường hợp các đối tượng bán Giấy đi đường giả tại một hiệu cầm đồ ở quận Đống Đa, đã bán 9 giấy đi đường, thu về 12 triệu đồng. Như vậy, xét theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự, các đối tượng này đối diện với khung hình phạt là phạt tù từ 3 - 7 năm” - luật sư Hồng Thái nhận định.

Trường hợp sử dụng con dấu, hoặc giấy tờ đi đường giả với mục đích gian dối với cơ quan chức năng hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác có thể bị xử lý về tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, quy định tại điều 341 Bộ luật Hình sự./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực