Mức xử phạt với hành vi dán logo kín xe ô tô?

Thứ năm, 25/11/2021 08:59
(ĐCSVN) – Hành vi dán đề-can (decal), logo lên phương tiện ô tô hiện chưa có quy định cấm. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng xác định việc chủ phương tiện thực hiện hành vi này mà gây cản trở tầm nhìn, mất an toàn khi điều khiển hoàn toàn có thể xác định lỗi vi phạm trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ, Luật Quảng cáo.

Trên đây là một trong số những ý kiến trao đổi từ luật sư Lê Xuân Thảo, đoàn luật sư TP Hà Nội trước nội dung câu hỏi từ bạn Lê Xuân Bách, địa chỉ tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên về việc: Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong hoạt động đời sống hằng ngày, xuất hiện nhiều trường hợp chủ phương tiện (ô tô) dán đề-can (decal), logo kín xe ô tô, khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên, thắc mắc, liệu hành vi này có vi phạm quy định pháp luật hay không? Trường hợp nếu xác định rõ việc có hành vi vi phạm thì chủ phương tiện có bị xử lý hay không? Mức phạt cụ thể thực hiện dựa trên quy định nào?

Dán kín đề - can, logo lên xe có thể sẽ bị phạt, thậm chí không được đăng kiểm.
(Ảnh: HLX) 

Liên quan đến nội dung này, nhìn nhận vấn đề dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Xuân Thảo phân tích, thời điểm hiện hành, dán decal, logo lên xe không bị cấm, với điều kiện không được gây cản trở tầm nhìn và gây mất an toàn người lái. Việc dư luận quan tâm, đặc biệt là vấn đề an toàn tính mạng sức khỏe là điều thực sự cần thiết và đáng ghi nhận. Trong trường hợp này, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xem xét, xác định lỗi vi phạm dựa trên những căn cứ liên quan đến các điều, khoản từ Luật Giao thông đường bộ và Luật Quảng cáo.

 Theo luật sư Thảo, khoản 2, điều 55, chương IV, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Cùng với đó, khoản 2, điều 30, mục 6, chương II, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Lắp kính chắn gió, kính cửa của xe không phải là loại kính an toàn; Tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe; Không làm thủ tục khai báo với cơ quan đăng ký xe theo quy định trước khi cải tạo xe (đối với loại xe có quy định phải làm thủ tục khai báo).

 Cùng với đó, luật sư Lê Xuân Thảo cũng viện dẫn, hành vi vi phạm này có thể lấy căn cứ tại khoản 2, điều 32, mục 4, chương III, Luật Quảng cáo 2018, trong đó nêu quy định: “Không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông,…”.

 Trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng sẽ căn cứ theo các khoản 2; điểm b (khoản 4); điều 43, mục 3, chương III, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ. Theo đó: “Nếu vi phạm quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng”. Biện pháp khắc phục là buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

 “Ngoài ra, trường hợp chủ phương tiện ô tô dán logo, decal quá nhiều lên xe, đặc biệt là trường hợp dán decal, logo lên các bộ phận là kính bao gồm cả kính lái và kính sau thì đơn vị đăng kiểm hoàn toàn có quyền từ chối đăng kiểm; chỉ thực hiện đăng kiểm khi chủ phương tiện hoàn trả nguyên trạng kết cấu ban đầu” – Luật sư Lê Xuân Thảo phân tích thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực